Là vùng đất di sản của Quảng Ninh với bề dày truyền thống và lịch sử, Đông Triều hiện có nhiều di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng với hệ thống hơn 40 lễ hội, phần lớn là các lễ hội dân gian được tổ chức thường niên, trở thành văn hóa truyền thống vào mùa xuân. Hiện những lễ hội này đã và đang được Đông Triều quản lý và tổ chức tốt gắn với công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích.
Đến hẹn lại lên, mùa lễ hội ở Đông Triều diễn ra sau dịp Tết cổ truyền. Tuy nhiên, thời điểm này, công tác chuẩn bị đã được các địa phương khởi động nhằm đảm bảo chu toàn khâu tổ chức cũng như lường trước các vấn đề phát sinh có thể xảy ra. Có thể kể đến Lễ hội xuân Ngọa Vân 2024 – một trong những lễ hội quan trọng ở địa phương, nên công tác quản lý và tổ chức lễ hội được lên kế hoạch từ rất sớm. Lễ hội năm nay, được tổ chức với quy mô cấp thị xã, do Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Quảng Ninh phối hợp với UBND TX Đông Triều đồng chủ trì, chỉ đạo tổ chức.
Theo ông Phạm Xuân Hoàn, Trưởng Ban Quản lý di tích nhà Trần thị xã, lễ hội diễn ra từ ngày mùng 9 tháng Giêng nên trước Tết Nguyên đán, mọi phần việc chuẩn bị cho Lễ hội Xuân Ngọa Vân từ trang trí khánh tiết, tuyên truyền trực quan… đến đảm bảo vệ sinh môi trường, trông giữ xe, phân luồng giao thông đều đã lên phương án chi tiết. Do đây là lễ hội lớn, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia, ban tổ chức chú trọng đến công tác ANTT, ATGT và PCCN; không để xảy ra tình huống bị động bất ngờ, gây ảnh hưởng đến tính chất, ý nghĩa của lễ hội.
Với tâm thế “đón đầu” mùa lễ hội, từ nhiều tháng trước, Ban Quản lý khu di tích nhà Trần thị xã đã phối hợp với Ban trị sự GHPG Việt Nam tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND thị xã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội năm 2024. UBND các xã, phường thực hiện tốt việc đăng ký và thông báo chương trình tổ chức lễ hội; thành lập ban tổ chức và phân công nghiệm vụ cho các thành viên, kiểm tra các điều kiện cần thiết để tổ chức lễ hội dịp đầu xuân. Nhất là xây dựng nội dung, chương trình theo đúng nghi lễ truyền thống, đảm bảo quy định về tổ chức, quản lý lễ hội.
Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về lễ hội trên các phương tiện thông tin đại chúng, bảng điện tử led tấm lớn, fanpage, mạng xã hội, truyền hình thị xã, cổng thông tin điện tử thị xã. Trong đó, chú trọng tuyên truyền nguồn gốc các lễ hội, di tích và ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng, nghi lễ truyền thống trong lễ hội; vận động nhân dân nâng cao nếp sống văn minh lễ hội, hạn chế đốt vàng mã, mê tín dị đoan, cờ bạc.
Các di tích tổ chức tổng vệ sinh môi trường, bao sái hệ thống đồ thờ tự; trang trí hoa, cây cảnh; làm mới hệ thống pano, khẩu hiệu, kết đèn trang trí; làm điểm chụp ảnh check-in cho du khách phù hợp với không gian di tích, mang tính truyền thống. Đồng thời, chuẩn bị các loại lễ vật dâng lên các ban thờ; chuẩn bị quà “lộc Tết” tặng nhân dân, du khách đến với đền An Sinh, Thái Miếu nhân dịp đầu xuân năm mới.
Đi đôi với đó, thị xã bố trí lực lượng an ninh đảm bảo công tác giữ trật tự, không để xảy ra tình trạng mất an ninh, an toàn, lợi dụng lễ hội tuyên truyền mê tín dị đoan, chống phá Đảng, Nhà nước. Lực lượng chức năng thực hiện phân làn giao thông, quy hoạch điểm trông giữ phương tiện và bố trí lực lượng trông giữ phương tiện. Đồng thời, công tác vệ sinh môi trường, VS ATTP, phòng chống cháy nổ… tại các di tích cũng đặc biệt được quan tâm.
Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thị xã khẳng định: “Việc tổ chức tốt lễ hội đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ các giá trị văn hóa của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi đầu xuân mới, góp phần triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch TX Đông Triều đến năm 2030, định hướng đến 2040”.