Trong thời gian qua, TP Đông Triều quan tâm thực hiện chính sách, pháp luật về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, đem lại hiệu quả, đóng góp tích cực cho phát triển du lịch trên địa bàn.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 132 di tích và danh thắng, trong đó có 30 di tích đã được xếp hạng (1 di tích quốc gia đặc biệt, 7 di tích cấp quốc gia, 22 di tích cấp tỉnh); 102 di tích đã được kiểm kê, phân loại và đưa vào danh mục quản lý và trên 40 lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm. Thành phố có 6 loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian mang đậm bản sắc của các dân tộc trên địa bàn thành phố được duy trì và phát triển như hát chèo; hát then, múa đàn tính và soọng cô; các phong tục tập quán như tục cưới hỏi, tiết thanh minh…
Nhằm tăng cường công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn, trong thời gian qua thành phố đã ban hành các văn bản để chỉ đạo triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch. Chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường triển khai tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý di tích, lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hằng năm tổ chức rà soát, kiện toàn Ban Quản lý di tích lịch sử và ban hành nội quy, quy chế hoạt động. Do đó tình hình an ninh tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, không có tình trạng trộm cắp hiện vật. Công tác phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại di tích được đảm bảo.
Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công tác quản lý nhà nước đối với các di sản văn hóa nhằm nâng cao kiến thức và hiểu biết pháp luật cho cán bộ, nhân dân, góp phần ngăn ngừa, hạn chế các hành vi xâm hại, tác động xấu đến các di sản văn hóa.
Công tác duy tu, tôn tạo, phục hồi di tích được thành phố chỉ đạo thường xuyên; giao các cơ quan chuyên môn phối hợp với đơn vị tư vấn đủ năng lực, chứng chỉ hành nghề để hướng dẫn chủ đầu tư lập quy hoạch, dự án tu bổ, di tích theo đúng quy định. Giai đoạn 2018-2024, thành phố có 34 di tích đã được đầu tư quy hoạch, lập dự án tu bổ, tôn tạo; đầu tư hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng và phát huy giá trị từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa với tổng kinh phí trên 2.100 tỷ đồng; trong đó tiêu biểu là dự án xây dựng tuyến cáp treo và khu dịch vụ chùa Ngọa Vân – chùa Hồ Thiên (trên 885,8 tỷ đồng); Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm (trên 163,54 tỷ đồng); Dự án tu bổ, tôn tạo Thái Miếu (100,1 tỷ đồng)…
Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng căn cứ nhiệm vụ để kiểm tra, giám sát đối với các nội dung bảo tồn, phát huy giá trị di sản như: Việc triển khai dự án tu bổ, tôn tạo di tích; tiếp nhận sử dụng các hiện vật, đồ thờ tại di tích, công tác tổ chức lễ hội; thường xuyên kiểm tra, theo dõi nắm tiến độ và chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm đất đai, xâm hại di tích… Từ năm 2018 đến 2024, thành phố đã tổ chức 15 cuộc kiểm tra công tác tu bổ, tôn tạo, đưa hiện vật vào di tích và trên 280 lượt kiểm tra công tác quản lý và lễ hội. Dịp lễ hội đầu xuân 2025 đã tổ chức được 10 cuộc kiểm tra công tác quản lý và lễ hội. Qua kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý và tổ chức lễ hội được kịp thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo tồn các di sản văn hóa, góp phần quản lý, khai thác những di sản có giá trị để phục vụ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Từ đầu năm đến nay, TP Đông Triều đón tiếp trên 393.000 lượt khách đến tham quan các điểm du lịch, di tích, trong đó riêng khu di tích nhà Trần đón tiếp gần 169.000 lượt; các điểm di tích khác đón tiếp trên 55.000 lượt.
Với nhiều nỗ lực trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn, thành phố từng bước theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra, đó là thúc đẩy chuyển các giá trị văn hóa thành giá trị phát triển, khai thác tối đa giá trị phát triển của các sản phẩm văn hóa trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.