Tờ trình Đề án bổ sung về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu đạt tăng trưởng 8% trở lên là nội dung đầu tiên được Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến trong phiên khai mạc diễn ra ngày 12/2/2025.
Tại Đề án, Chính phủ đề xuất Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên thay vì mức tăng trưởng GDP khoảng từ 6,5-7% và phấn đấu khoảng 7-7,5% đã được Quốc hội phê duyệt tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra tháng 11/2024. Việc đạt được tốc độ tăng trưởng này trong năm 2025 sẽ tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài, bắt đầu từ năm 2026.
Trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngay từ những ngày đầu, quý đầu năm 2025, Thường trực Chính phủ đã gặp gỡ doanh nghiệp bàn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới. Sự kiện này không chỉ mang ý nghĩa khích lệ, động viên tinh thần kinh doanh mà còn thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao trọng trách lớn lao cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trước ngưỡng cửa lịch sử của đất nước.
Sau gần 40 năm đổi mới, đến nay, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với hơn 940 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Lực lượng doanh nghiệp ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước khi đóng góp khoảng 60% vào tăng trưởng GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho 85% số lao động cả nước. Một số doanh nghiệp đã phát triển, vươn lên tầm khu vực và thế giới, chủ động tham gia và khẳng định được vị trí, vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, tiềm năng và dư địa phát triển chưa được khai thác hiệu quả. Mặc dù đã xuất hiện những doanh nghiệp tư nhân lớn, quy mô hàng tỷ USD, có sức cạnh tranh toàn cầu nhưng phần lớn doanh nghiệp chỉ ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, sức cạnh tranh yếu, hoạt động kinh doanh vẫn mang tính thời vụ, thiếu tầm nhìn chiến lược. Đáng lưu ý, đà tăng trưởng của doanh nghiệp Việt Nam đang chậm lại sau đại dịch Covid-19.
Nếu như trước năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập mới trên số doanh nghiệp rời bỏ thị trường thường là 3 lần thì đến năm 2024, tỷ lệ này giảm xuống còn 1,18 lần. Cùng với đó, xuất hiện tình trạng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại thị trường thấp hơn tổng số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh và phá sản tại cùng thời điểm. Điều này cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh dù đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của doanh nghiệp nói riêng và sự phát triển của nền kinh tế nói chung.
Trên thực tế, việc ban hành chính sách pháp luật vẫn chủ yếu hướng đến mục tiêu quản lý, giám sát chứ chưa thật sự vì mục tiêu kiến tạo phát triển, dẫn đến tình trạng các văn bản pháp luật chồng chéo, gây khó khăn khi triển khai thực hiện. Điểm nghẽn pháp lý lớn nhất đang tập trung ở hai lĩnh vực, gồm huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực và trong pháp luật chuyên ngành, rõ nhất là ở các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây cũng chính là những nội dung được doanh nghiệp, doanh nhân kiên trì đề xuất tháo gỡ mỗi khi có dịp làm việc với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, việc chủ động tăng năng lực nội sinh để thúc đẩy tăng trưởng là yêu cầu đặt ra cấp thiết. Nếu không thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng sản xuất kinh doanh, các mục tiêu tăng trưởng sẽ trở nên khó khăn và thiếu bền vững. Những nỗ lực cải cách thể chế được triển khai cùng cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy được kỳ vọng sẽ tháo bung điểm nghẽn thể chế, cởi trói cho các nguồn lực đầu tư phát triển, khơi thông động lực tăng trưởng từ khu vực doanh nghiệp.
Cải cách thể chế không thể tách rời sự phát triển của lực lượng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong nước. Các doanh nghiệp đang cần động lực để vượt ngưỡng và chỉ có thể chế mới làm được điều đó. Khi được xốc lại tinh thần kinh doanh, doanh nghiệp sẽ gánh vác những việc lớn, việc khó đang đặt ra cho sự phát triển của đất nước và trở thành lực lượng tham gia tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng 2 con số của nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, chính doanh nhân, doanh nghiệp mới là chủ thể chấn hưng đất nước, giúp nhân dân ấm no, hạnh phúc.