Xác định sự phát triển của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương, thời gian qua, Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đồng hành gỡ khó và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Theo đó, tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo; tạo môi trường bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực giữa các thành phần doanh nghiệp, nhà đầu tư; đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tỉnh cũng không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tâm, có tầm trong phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp…
Đặc biệt, từ đầu năm tới nay, trong bối cảnh chung cả nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn địa phương, xác định đúng, trúng chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với đó, tỉnh cũng đã ban hành và chỉ đạo triển khai các nghị quyết, kế hoạch, chương trình, văn bản về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với đại diện doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh…
Tháng 4/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND về phát triển doanh nghiệp năm 2023. Trong đó tập trung cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chú trọng hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ kê khai thuế, kế toán, công nghệ, khởi nghiệp, mở rộng thị trường, thông tin, tư vấn và pháp lý cho doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ tham gia liên kết ngành, chuỗi giá trị. Tỉnh quyết tâm tăng số lượng thành lập doanh nghiệp mới; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể và ngừng sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh năng lực sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đơn cử như TP Hạ Long, với mục tiêu “cùng đi, cùng đến, cùng hiệu quả”, thành phố đã thường xuyên tổ chức chương trình gặp mặt, đối thoại, trao đổi với các doanh nghiệp để nắm bắt và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc thuộc thẩm quyền. Cùng với đó thành phố cũng không ngừng cải cách các thủ tục hành chính, đẩy mạnh GPMB, cơ sở hạ tầng… Qua đó, không ngừng khẳng định vai trò là điểm đến đầu tư lý tưởng, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo niềm tin cho doanh nghiệp, tích cực đóng góp cho ngân sách địa phương. 9 tháng năm 2023, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tăng 908 doanh nghiệp, hiện thành phố có trên 5.415 doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, hơn 11.671 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động sản xuất kinh doanh và đã có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và ổn định kinh tế – xã hội của thành phố, góp phần tích cực giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, đóng góp ngân sách nhà nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Ông Qiu An Liang, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dệt may WEILI Việt Nam, chia sẻ: Thời gian qua, công ty luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình của TP Hạ Long về thủ tục hành chính, GPMB, an ninh trật tự, tuyển dụng lao động và xuất nhập khẩu. Đây là yếu tố quan trọng để công ty hoạt động ổn định, thúc đẩy sản xuất và tiếp tục triển khai các dự án tại TP Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Với những giải pháp cụ thể trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, Quảng Ninh đã nhận được sự đánh giá rất cao của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân. Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước 6 năm liên tiếp dẫn đầu Chỉ số PCI và các chỉ số phản ánh chất lượng cải cách hành chính, xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ… Trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 2.049 đơn vị thành lập mới, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022; số vốn đăng ký đạt 16.280 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ. Số doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường là 2.752 doanh nghiệp, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Đáng chú ý chỉ có 398 doanh nghiệp giải thể, giảm 9,7% so cùng kỳ. Cũng trong 9 tháng, đã có 65 HTX thành lập mới, tăng 117% kế hoạch năm, với vốn điều lệ đăng ký hoạt động trên 1.904 tỷ đồng; doanh thu bình quân một HTX là 850 triệu đồng/năm. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khu vực doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt 17.617 tỷ đồng, tăng 12,17% so với cùng kỳ, chiếm 61,86% tổng số thu nội địa trên địa bàn tỉnh…
Kết quả này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong nỗ lực phát triển KT-XH; khẳng định sự quyết tâm của tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh một cách hiệu quả; tiếp tục khẳng định niềm tin, sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh Quảng Ninh dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào…