Hội Nông dân (HND) các cấp trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều cách làm, giải pháp để chung tay cùng hội viên, nông dân xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP.
Gà Tiên Yên là một sản phẩm OCOP có thế mạnh của huyện Tiên Yên và tỉnh Quảng Ninh. Để phát triển thương hiệu này, HND huyện Tiên Yên đang tích cực hỗ trợ các hội viên, nông dân tham gia phát triển mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên.
Anh Lý Văn Thắng, thôn Hợp Thành, xã Phong Dụ chia sẻ: Năm 2022, gia đình tôi đã được vay 100 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển mô hình chăn nuôi gà. Với sự quan tâm và hỗ trợ về kỹ thuật từ tổ chức Hội, đàn gà của tôi phát triển tốt và mang lại thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Năm 2023, tôi đã hoàn trả vốn vay cho Quỹ. Hiện tại tôi đang có kế hoạch mở rộng quy mô chăn nuôi thêm khoảng 2.000-3.000 con gà thương phẩm.
Ngoài hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, HND Tiên Yên cũng tích cực đồng hành cùng hội viên, nông dân trong việc nâng chất lượng gà Tiên Yên thương phẩm thông qua việc triển khai mô hình nuôi gà thảo dược. Kể từ khi được HND hướng dẫn quy trình chăn nuôi gà theo hướng chăn thả tự nhiên, kết hợp với bổ sung thức ăn thảo dược, mô hình nuôi gà Tiên Yên của gia đình anh Bế Văn Lỵ, thôn Hồng Phong, xã Phong Dụ gặp rất nhiều thuận lợi. Giờ đây sản phẩm gà thương phẩm của gia đình anh khi xuất bán luôn được thương lái ưu tiên lựa chọn và có đầu ra bền vững. Anh Lỵ cho biết, hiện mỗi năm, gia đình tôi xuất bán khoảng hơn 1 vạn con gà, cho thu nhập từ 350-500 triệu đồng.
Là sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao cấp tỉnh, nem chua, nem nắm Đức Hậu của HTX Sản xuất nông lâm ngư nghiệp thương mại và dịch vụ tổng hợp Đức Hậu (TX Quảng Yên) đang có thị trường tiêu thụ ổn định với năng lực sản xuất khoảng hơn 1.000 chiếc mỗi ngày. Ngoài việc chú trọng chất lượng trong quy trình sản xuất, HTX cũng luôn chú trọng quảng bá thương hiệu của mình tại các hội chợ của địa phương và của tỉnh. Bên cạnh đó, HND tỉnh và thị xã cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện để HTX tham gia các gian hàng hội chợ trên phạm vi cả nước, giúp sản phẩm có đầu ra ở nhiều tỉnh thành khác.
Còn đối với Cơ sở sản xuất ruốc tép chưng thịt Long Thương, TX Quảng Yên, hiện cơ sở có 3 sản phẩm OCOP được xếp loại 3 sao gồm: Mắm tép chưng thịt, ruốc tép, ruốc hà sú. Ngoài bán hàng theo phương thức truyền thống như giao hàng vào các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở đã quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua facebook, zalo, tiktok và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử theo hướng dẫn của HND thị xã. Nhờ đó, hiện mỗi ngày cơ sở đưa ra thị trường khoảng 50kg sản phẩm mắm tép, mắm ruốc các loại, thời gian cao điểm, lượng hàng có thể tăng lên 1,5 tạ.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Hương, Chủ tịch HND TX Quảng Yên: Hiện TX Quảng Yên có gần 40 sản phẩm OCOP được xếp hạng. Đồng hành cùng hội viên, HND thị xã đã hỗ trợ các đơn vị sản xuất OCOP đạt từ 3 sao trở lên tham gia các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Tiki, Lazada. Đồng thời, chúng tôi cũng tập trung vào việc tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số cho các chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh, cũng như tổ chức cho họ tham gia các gian hàng và hội chợ thương mại để mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm.
Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), đến nay, Quảng Ninh đang có 417 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3-5 sao. Để chương trình OCOP tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn và tăng thu nhập cho người nông dân, HND tỉnh sẽ hợp tác với các ngành và địa phương để triển khai rộng rãi các mô hình kinh doanh, xây dựng thương hiệu theo chương trình này. Đồng thời, Hội cũng tập trung vào việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề cho lao động nông thôn để cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm OCOP theo nhu cầu thị trường. Công tác vận động, tổ chức và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sẽ được đặc biệt chú trọng, nhằm gia tăng giá trị sản phẩm OCOP và giải quyết việc làm, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội ở khu vực nông thôn.