Cơn bão số 3 đi qua, để lại nhiều thiệt hại lớn cho người dân, doanh nghiệp trong tỉnh. Ngay sau bão, Quảng Ninh nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ nhân dân vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm phục hồi sản xuất, tái thiết nền kinh tế.
Chỉ 3 ngày sau cơn bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2551/QĐ-UBND về việc cấp bổ sung mục tiêu cho các địa phương kinh phí hỗ trợ (đợt 1) khắc phục thiệt hại cơn bão số 3 và mưa, lũ sau bão trên địa bàn tỉnh với số tiền là 180 tỷ đồng. Đây là kinh phí bổ sung để các địa phương sử dụng cùng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác kịp thời khắc phục hậu quả mưa bão.
Với tinh thần khẩn trương, kỹ lưỡng, bài bản, tỉnh đã nhanh chóng nghiên cứu xây dựng một số chính sach khẩn cấp thuộc thẩm quyền để hỗ trợ người dân giảm bớt khó khăn, khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống. Tại Kỳ họp 21 HĐND tỉnh diễn ra ngày 23/9, HĐND tỉnh đã thông qua các nghị quyết cấp bách quy định các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3, trong đó có chính sách hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp phổ thông đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh (trừ học sinh tiểu học trường công lập và các đối tượng đã được hưởng chính sách hỗ trợ học phí theo quy định của tỉnh trong năm học 2024-2025); hỗ trợ xây nhà ở, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện sản xuất là tàu, thuyền đăng ký tại tỉnh bị chìm do cơn bão số 3; sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh…
Ông Nguyễn Văn Diễm (khu Bạch Đằng, phường Phương Nam, TP Uông Bí), cho biết: Vợ chồng tôi đã già, sức khỏe yếu, gia đình thuộc hộ khó khăn. Cơn bão vừa qua, khiến căn nhà cấp 4 của gia đình bị tốc mái, sau bão chỉ biết vá víu tạm ở qua ngày. Khi được cán bộ thành phố và phường thông tin, gia đình tôi sẽ được hỗ trợ kinh phí sửa chữa lại nhà ở do ảnh hưởng của bão số 3, vợ chồng tôi mừng lắm. Bằng số tiền được hỗ trợ, tôi sẽ sửa lại căn nhà để có thể yên tâm an hưởng tuổi già.
Cùng với việc ổn định cuộc sống, tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp từng bước khôi phục sản xuất. Tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh và các tổ chức tín dụng về việc triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Đồng thời, đề nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng sớm triển khai các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão. Trong đó, tập trung vào việc miễn giảm lãi, khoanh, giãn, hoãn nợ cho các khách hàng đang vay; mở rộng đối tượng được hưởng thụ; hướng dẫn, đơn giản hóa các thủ tục; triển khai các chính sách cho vay mới với các hộ dân đang không có tài sản thế chấp, cho vay theo hình thức tín chấp. Tỉnh cam kết hỗ trợ tối đa về cơ chế, chính sách để người dân, doanh nghiệp tái khởi động sản xuất.
Tỉnh đã ban hành văn bản số 2747/UBND-KTTC (ngày 20/9/2024) về việc triển khai thực hiện chính sách khoanh nợ cho khách hàng vay vốn tại các tổ chức tín dụng bị thiệt hại do cơn bão số 3 theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP (ngày 9/6/2015) của Chính phủ; văn bản số 2748/UBND-KTTC (ngày 20/9/2024) về khẩn trương triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão số 3. Trong đó, giao Ngân hàng CSXH tỉnh thực hiện cho vay bổ sung vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thực hiện gia hạn nợ (kéo dài thời hạn trả nợ đã cam kết trong hợp đồng tín dụng), khoanh nợ (chưa thu nợ của khách hàng và không tính lãi tiền vay phát sinh trong thời gian được khoanh nợ) khi có quyết định của cấp có thẩm quyền, báo cáo các cấp bố trí kinh phí đảm bảo đủ nguồn vốn để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách…
Với sự chỉ đạo sát sao, giải pháp quyết liệt cùng chính sách kịp thời của tỉnh, tin tưởng người dân và doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương.