Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách, như: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải cách hành chính, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu, tiếp cận vay vốn, tiếp cận mở rộng thị trường, xây dựng và phát triển thương hiệu… Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ, giúp cho doanh nghiệp, HTX chủ động thích ứng với tình hình mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển bền vững, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước, quốc tế.
Nhiều cơ chế, hỗ trợ kịp thời
Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành kinh tế – xã hội nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng sản xuất kinh doanh, tăng số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các sở, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức gặp mặt doanh nghiệp để tìm kiếm những giải pháp hỗ trợ thiết thực, giúp doanh nghiệp hồi phục nhanh sau đại dịch Covid-19. Đồng thời, tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá, công khai, minh bạch thủ tục hành chính (TTHC), giảm 40-50% thời gian giải quyết so với quy định; đẩy mạnh giải quyết TTHC trực tuyến; cắt giảm thời gian làm thủ tục với các dự án…
Đặc biệt, trong hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cấp sở, ngành, địa phương của Quảng Ninh luôn được tăng cường. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU (ngày 9/4/2021) về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, tỉnh đã ghi dấu ấn đậm nét với việc tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút vốn đầu tư. Nền hành chính của tỉnh ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả công việc, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Với những giải pháp đồng bộ, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh liên tiếp đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2020 và 2022, tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu toàn quốc cả 4 chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI. Trong đó, chỉ số PCI Quảng Ninh có 6 năm liên tiếp giữ vị trí quán quân; chỉ số PAR Index 5 lần đứng thứ nhất; chỉ số SIPAS 4 năm dẫn đầu; chỉ số PAPI 2 năm dẫn đầu bảng xếp hạng.
Song song với đó, phát huy vai trò là cầu nối đại diện cho doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong tình hình mới, nhất là sau đại dịch Covid-19. Một trong những minh chứng rõ nét, tháng 9/2022 Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thành lập đồng thời 2 trung tâm có tư cách pháp nhân là Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ doanh nghiệp; Trung tâm Tư vấn chuyển đổi số, để giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Các trung tâm trực tiếp tư vấn, hỗ trợ và đề nghị các cơ quan liên quan, giải quyết tháo gỡ khó khăn cho gần 30 doanh nghiệp, hội viên và 5 tổ chức thành viên, với hàng trăm ý kiến được giải đáp dưới nhiều hình thức, như: Làm việc trực tiếp với địa phương, doanh nghiệp; ban hành văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét giải quyết; tham mưu tổ chức các hội nghị gặp mặt cử tri là doanh nghiệp; tổ chức hội nghị chuyên đề, Cafe doanh nhân hằng tuần… Qua đó, nhiều ý kiến của doanh nghiệp được lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chuyên môn chỉ đạo giải quyết. Những ý kiến chưa được giải quyết, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục bám sát, đôn đốc để có kết quả trả lời doanh nghiệp.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động tiếp cận, tiếp xúc doanh nghiệp để kết nối, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dưới nhiều hình thức, ở nhiều cấp độ, nhiều địa điểm, như: Gặp gỡ làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương; ký kết quy chế phối hợp với một số huyện, thị xã, thành phố và sở, ban, ngành để tạo hành lang cho doanh nghiệp hoạt động… Nhờ vậy, nhiều khó khăn của doanh nghiệp trong các lĩnh vực đã cơ bản được tháo gỡ, nhất là khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai, gia hạn thực hiện dự án, quy hoạch; PCCC&CNCH; hoạt động tàu du lịch; vay vốn ngân hàng để duy trì sản xuất; đào tạo truyển dụng lao động…
Bà Cao Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Newstar, cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã được các cấp, ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ rất nhiều trong việc vay vốn, đầu tư dây chuyền, máy móc, kết nối tiêu thụ sản phẩm… Việc hỗ trợ này giúp chúng tôi chủ động được trong việc phát triển sản phẩm, áp dụng KHCN vào nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu. Đây cũng là những tiền đề quan trọng để đơn vị tiếp tục tập trung hơn cho việc phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, cũng như tìm kiếm cơ hội đầu ra bền vững hơn.
Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh cũng tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ đối với doanh nghiệp. TP Hạ Long, địa bàn động lực với đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự thành công trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đã chủ động, quyết liệt thực hiện các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, tạo khí thế hứng khởi trong thi đua cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Ông Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy Hạ Long cho biết: Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 3.900 doanh nghiệp hoạt động, chủ yếu trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ ăn uống, lưu trú… Thời gian qua, thành phố luôn hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư; quyết liệt triển khai cải cách TTHC; thực hiện đấu thầu qua mạng, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ được tham gia và công khai lựa chọn nhà thầu đối với những dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thành phố cam kết đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sẽ xử lý, đề nghị xử lý nghiêm bất kỳ đơn vị, cá nhân nào có biểu hiện, hành vi gây khó khăn, ách tắc cho doanh nghiệp, làm kìm hãm sự phát triển, kìm hãm nguồn lực thu hút đầu tư vào thành phố, cũng như đối với tỉnh.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh, các ngành, đơn vị, địa phương trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, trong giai đoạn 2021-2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh tăng bình quân 10,2%/năm; có 5.398 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc thành lập mới, đạt 108% chỉ tiêu nghị quyết của tỉnh, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay lên hơn 17.100 doanh nghiệp với số vốn đăng ký đạt 381.000 tỷ đồng. Riêng 8 tháng năm 2023, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, đã có 1.360 đơn vị (857 doanh nghiệp, 503 đơn vị phụ thuộc) thành lập mới, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022; số vốn đăng ký đạt 12.556 tỷ đồng; có 23 HTX thành lập mới.
Tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng
Ngày 12/7/2023, tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 155/NQ-HĐND về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Nghị quyết đề ra 7 mục tiêu cụ thể và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế. Đây là một trong những nghị quyết có ý nghĩa “then chốt” đối với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh, thể hiện được sự quan tâm, luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp của tỉnh.
Nghị quyết đi vào thực tiễn đã hỗ trợ và giải quyết được rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá rất cao và tin tưởng vào tính khả thi của nghị quyết. Ông Phạm Tiến Hồng, Giám đốc HTX Đông Thành (TP Hạ Long), cho biết: Tôi đánh giá cao sự chung tay của chính quyền các cấp từ tỉnh đến địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động tiếp xúc doanh nghiệp, nghị quyết của HĐND tỉnh. Doanh nghiệp được quan tâm, hỗ trợ kịp thời và hưởng lợi từ những quyết sách đó. Hy vọng trong thời gian tới, các cấp, ngành của tỉnh có thêm nhiều cơ chế hơn nữa để tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho doanh nghiệp, HTX vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, bắt kịp xu thế phát triển trong tình hình mới.
Quảng Ninh luôn xác định lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể, bảo đảm hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, xã hội, con người. Tỉnh luôn quan tâm, đồng hành xây dựng đội ngũ doanh nhân Quảng Ninh lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, quy mô, có ý thức giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, am hiểu pháp luật, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ, uy tín để thực hiện các nhiệm vụ trong quá trình hội nhập quốc tế.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động đồng hành, tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực. Trong đó, tập trung hỗ trợ tích cực, có hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng quy mô, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp theo chuẩn khu vực, quốc tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời, khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; ứng dụng KHCN trong sản xuất kinh doanh; tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa XNK, bảo đảm không để đứt gãy chuỗi cung ứng vào các nhà máy sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh… Ngoài ra, sẽ xây dựng chính sách phát triển doanh nghiệp có tính chiến lược, khai thác lợi thế ngành, lĩnh vực để đón bắt cơ hội nhằm phục hồi và phát triển mạnh mẽ hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh.