Ngày 13/9, đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã đi kiểm tra thực trạng diện tích rừng trồng bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh và công tác khắc phục hậu quả. Cùng đi có đồng chí Vi Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Cơn bão số 3 đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều chủ rừng trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo nhanh, tính đến ngày 13/9, toàn tỉnh có 73.964ha rừng trồng bị thiệt hại, chủ yếu bị gãy ngang thân, đổ rạp hoặc bật gốc. Trong đó, nhiều nhất là TP Hạ Long thiệt hại 22.030ha; Ba Chẽ thiệt hại 14.560ha; Vân Đồn thiệt hại 11.298ha; Tiên Yên thiệt hại 9.128ha…
Cũng theo báo cáo của các đơn vị, đối với diện tích rừng từ 1-5 tuổi bị gãy đổ, người dân sẽ gần như mất trắng, không thể tận thu; đối với diện tích rừng từ 5 tuổi trở lên, có thể tận thu được khoảng 40% giá trị đầu tư. Với mức này cũng chỉ đủ chi phí để thực hiện khai thác tận thu.
Hiện nay một số hộ dân trồng rừng đã bắt đầu tổ chức chặt hạ, thu hồi cây rừng gãy đổ để bán cho các cơ sở thu mua. Tuy nhiên các cơ sở thu mua với giá thấp hoặc không thu mua do chất lượng gỗ thấp do bị bão làm gãy đổ, đồng thời các cơ sở thu mua này cũng đang bị thiệt hại về cơ sở vật chất sau bão, hiện chưa thể hoạt động.
Đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, cùng đoàn công tác đã kiểm tra thực tế diện tích rừng trồng tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ (TP Hạ Long) và của các hộ dân tại xã Đồng Lâm.
Qua kiểm đếm thực tế, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ bị thiệt hại khoảng 3.900ha rừng trồng phòng hộ và rừng trồng sản xuất, chiếm tới 88% diện tích rừng trồng của đơn vị. Trong đó, rừng trồng sản xuất từ năm thứ 2 đến thứ 7 bị thiệt hại hoàn toàn khoảng 2.730 ha. Các hộ dân trồng rừng tại khu vực này cũng bị thiệt hại nặng nề.
Qua kiểm tra, làm việc với ban lãnh đạo Công ty và trò chuyện với các hộ dân, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chia sẻ với những khó khăn, thiệt hại nặng nề mà Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ cũng như nhiều công ty lâm nghiệp và các hộ dân trồng rừng gặp phải. Đồng thời, động viên Công ty, các hộ gia đình cố gắng vượt qua khó khăn trong thời điểm này, bình tĩnh, nhanh chóng khôi phục lại diện tích rừng trồng còn sót lại; thực hiện khai thác tận thu có hiệu quả diện tích rừng bị gãy đổ.
Với diện tích rừng trồng của doanh nghiệp, hộ dân bị thiệt hại lớn, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các ngành liên quan tiếp tục thống kê chính xác số lượng thiệt hại; giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cùng với Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu tham mưu các cơ chế, chính sách phù hợp trình HĐND tỉnh ban hành, nhằm hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, hộ dân trồng rừng. Mục tiêu cao nhất là sớm khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp, hộ gia đình; đảm bảo công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động và nhân dân trên địa bàn.