Để động viên các đơn vị tập trung khắc phục sau bão, tối 9/9, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã đi kiểm tra công tác công tác xử lý điện, mạng viễn thông và hệ thống bơm thoát nước tại địa bàn TP Hạ Long và TP Cẩm Phả. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Báo cáo với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh về công tác xử lý lưới điện, theo đại diện Điện lực Quảng Ninh, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề đối với hạ tầng ngành điện. Trên địa bàn tỉnh có tổng số 9 cột 110kv thì có đến 4 cột đổ, 5 cột bị nghiêng; 13 trạm biến áp hư hỏng, hơn 300 cột trung áp bị gẫy và nghiêng…
Mặc dù toàn ngành đã rất nỗ lực, triển khai các biện pháp cấp bách nhằm khắc phục sự cố, cấp điện cho hoạt động sản suất và sinh hoạt của các đơn vị, nhà máy, nhân dân… Tuy nhiên ngay sau bão, tình hình mưa lớn kéo dài, việc khắc phục lưới điện gặp nhiều khó khăn. Hiện ngành Điện đã huy động cán bộ, công nhân viên điện lực tại nhiều tỉnh, thành khác về Quảng Ninh để tăng cường, hỗ trợ; tập trung ưu tiên cấp điện cho các khu vực trọng điểm, các khu công nghiệp, đơn vị ngành Than và các khu đô thị…
Trong đó, ngày 9/9 đã cấp điện cho công ty than Đèo Nai, Thống Nhất, Nam Mẫu, Vàng Danh. Đêm cùng ngày sẽ hoàn thành sửa chữa, cấp điện cho các mỏ Hà Tu, Núi Béo để phục vụ sản xuất, thăm dò. Đối với các đơn vị khác, Điện lực Quảng Ninh đang quyết tâm trong ngày 10/9 sẽ hoàn thành cấp điện cho 100% các mỏ và các KCN trên địa bàn tỉnh. Riêng điện sinh hoạt của nhân dân, hiện tỷ lệ cấp điện đã đạt 60%, đơn vị đang tập trung nhân lực, phương tiện để tập trung khắc phục, xử lý, cấp điện lại cho 100% nhân dân trong thời gian sớm nhất.
Đối với lĩnh vực viễn thông, theo đại diện Viettel Quảng Ninh, cơn bão số 3 đã tác động, gây hư hỏng gần 1.000 trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS), các tuyến cáp quang lớn bị ngập, bị treo do gãy cột điện làm các tuyến truyền dẫn kết nối về trạm bị mất, dẫn đến mất liên lạc.
Trong 2 ngày vừa qua, Viettel đã khắc phục được 60% các trạm BTS trên địa bàn TP Hạ Long. Hiện Viettel có 2 đoàn công tác từ các tỉnh với gần 1.000 người đang “dàn quân” ra các huyện, thị xã, thành phố của Quảng Ninh để tập trung khắc phục. Riêng TP Hạ Long đang có khoảng 300 cán bộ, kỹ thuật viên và nhân viên tập trung xử lý sự cố. Dự kiến trong 2 ngày tới đây, các sự cố sẽ được giải quyết, các trạm BTS sẽ đưa vào khai thác, đảm bảo yêu cầu sóng viễn thông cho nhân dân. Riêng đối với hệ thống cáp viễn thông cung cấp dịch vụ internet sẽ chậm hơn.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã đi kiểm tra hoạt động của Trạm Bơm xử lý ngập lụt Km15 tại Đèo Bụt. Hiện Trạm đang trang bị 2 tổ máy, có tổng công suất 3.000m3/h. Trạm sẽ giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ thường xuyên tại khu vực Đèo Bụt, đảm bảo giao thông thông suốt khi mưa bão về.
Sau khi trực tiếp đi kiểm tra công tác xử lý, khắc phục sự cố ngay trong đêm, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy đã đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng từ các đơn vị, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công nhân ngành Điện, viễn thông đã không quản ngày đêm, nắng mưa, có mặt tại hầu khắp các khu vực để tập trung xử lý sớm các sự cố do bão gây ra.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Bão số 3 là cơn bão lớn, có cường độ tăng nhanh và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài, diện rộng, đã gây ảnh hưởng nặng nề không chỉ tại khu vực Quảng Ninh mà còn nhiều tỉnh phía Bắc. Mặc dù bão đã tan, tuy nhiên hoàn lưu sau bão sẽ tiếp tục gây mưa lớn, nguy cơ sạt lở, ngập lụt rất cao.
Do vậy các đơn vị không được chủ quan, lơ là. Trước mắt, cần tập trung khắc phục, xử lý ngay các hạ tầng cung cấp nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân như điện, nước, viễn thông. Đồng thời, trong quá trình triển khai, cần thực hiện rà soát, đánh giá tác động, có phương án khắc phục, nâng cấp hạ tầng ngành để kịp thời ứng phó đối với các sự cố sau nay.
Cần bố trí người thường trực tại các vị trí xung yếu, khu vực quan trọng để vận hành hiệu quả, cung cấp điện, nước an toàn, ổn định; đối với các trạm bơm chống lụt, phải thường xuyên tiến hành kiểm tra, vận hành thiết bị nhằm đảm bảo tốt nhất, phát huy hiệu quả, công năng khi có sự cố.
Trong quá trình xử lý sự cố, cần ưu tiên cho công tác an toàn lao động, phối hợp với các đơn vị, địa phương để xử lý ngay các tình huống phát sinh, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, chất lượng khi đưa vào vận hành lại các hệ thống.