Tôm vụ đông yêu cầu kỹ thuật cao, thời gian kéo dài hơn, chi phí đầu tư ban đầu lớn, nhưng lại rất thuận lợi về đầu ra, cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, do những thiệt hại bởi cơn bão số 3, nên tôm vụ đông năm nay có nhiều điểm khác biệt so với mọi năm, với diện tích nuôi trồng thấp hơn, vụ thu hoạch sớm.
Với quy trình chăn nuôi khép kín, cùng hệ thống nhà màng và trang thiết bị tự động để kiểm soát môi trường, độ ẩm, nguồn nước, nhiều năm qua HTX Nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả có doanh thu đạt khoảng 60-80 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều nhà bạt, cột chống, bể nuôi bị hư hại, HTX phải bán rẻ hàng chục tấn tôm thẻ chân trắng do không đảm bảo điều kiện sản xuất.
Quyết tâm phục hồi sản xuất trong thời gian sớm nhất, HTX đã cố gắng tập trung nhân lực, vật lực để khôi phục cơ sở hạ tầng, vệ sinh ao nuôi trước khi thả tôm giống. Trong số 12 ao nuôi tôm, có 6 ao không bị ảnh hưởng nên HTX vẫn tiếp tục nuôi dưỡng hơn 6 triệu con tôm còn lại, xuất bán ra thị trường với sản lượng ổn định 35-40 tấn sau 20 ngày sau bão.
Để đáp ứng sản lượng tôm vụ đông, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, bên cạnh việc tập trung khôi phục cơ sở vật chất, HTX cũng tích cực tái đàn, khôi phục sản xuất. Hiện HTX đã lắp đặt xong nhà bạt của 4 ao nuôi bị hư hỏng do bão, đồng thời, ưu tiên thả tôm giống ở giai đoạn 1-2 từ 1.500 con/kg đến 200 con/kg. Những ao còn lại sẽ thả tôm ở các giai đoạn trưởng thành, đảm bảo cung ứng ra thị trường 40-45 tấn tôm/tháng với kích thước 30-35 con/kg.
Giám đốc HTX Nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả Đặng Bá Mạnh cho biết: Mặc dù bị thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất, song chúng tôi đã sớm khôi phục, tái đàn, ổn định sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện nay, đầu ra tôm rất ổn định, tư thương thu mua ngay tại chỗ, tiết kiệm chi phí cho người nuôi. Bên cạnh đó, giá tôm đang ở mức cao khoảng 280.000 đồng/kg, nên dù sản lượng thấp song lợi nhuận vẫn cao.
Tháng 10 hằng năm là thời điểm các hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bắt đầu thả giống cho tôm vụ đông. Tuy nhiên, hầu hết các hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp nuôi tôm đều bị thiệt hại nặng nề cơ sở vật chất do cơn bão số 3. Do đó, các hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp đều tranh thủ vừa tập trung khắc phục cơ sở vật chất, vừa thả giống tôm vụ đông sớm để khôi phục sản xuất, ổn định kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ông Bùi Huy Tùng, Phó Giám đốc Công ty CP Nhật Long (TP Hạ Long) chia sẻ: Ngay sau cơn bão số 3, đơn vị đã tập trung nhân lực, thiết bị, máy móc khắc phục cơ sở vật chất của 60 ao nuôi tôm. Tranh thủ điều kiện thời tiết ấm áp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường, ổn định sản xuất, khắc phục đến đâu, đơn vị thả giống đến đó. Hiện các ao đầm của đơn vị đã cơ bản được thả tôm giống.
Đối với địa phương ít bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, để duy trì giá trị tăng trưởng của thủy sản, phát huy lợi thế đối tượng nuôi chủ lực, người dân đã chủ động tập trung lên phương án, cải tạo ao nuôi, đảm bảo điều kiện thả giống vụ đông đúng khung thời vụ.
Ông Lục Quốc Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên) cho biết: Xã Hải Lạng là địa bàn có diện tích nuôi tôm lớn nhất trên địa bàn huyện Tiên Yên. Do đó, xã đã phối hợp với các đơn vị tăng cường công tác hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất, thường xuyên lấy mẫu nước, mẫu tôm kiểm tra dịch bệnh, điều tiết nước đảm bảo nuôi trồng. Đồng thời, hướng dẫn tập huấn vệ sinh ao đầm, chăm sóc tôm, phòng chống rét cho vật nuôi. Bắt đầu từ tháng 10, các hộ dân đã thả tôm giống cho vụ đông. Hiện, vụ tôm đông năm nay của xã có 60 hộ nuôi trên diện tích nuôi 35ha với sản lượng tôm giống là 800 vạn con, tăng 10% so với năm ngoái.
Với quyết tâm khôi phục sản xuất, nỗ lực ổn định kinh doanh, khai thác hiệu quả khoa học kỹ thuật, đầu ra thuận lợi, giá bán cao nên hy vọng rằng giá trị của vụ tôm đông năm nay trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo tăng trưởng.