Ngành sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ đang có những tín hiệu tốt, dự báo cuối năm nay và trong năm 2025 sẽ có thêm những thuận lợi. Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần nắm rõ để tính toán đầu tư, sản xuất phù hợp.
Ông Trần Ngọc Liêm, giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – chi nhánh tại TP.HCM, nhận định như trên tại buổi họp báo thông tin về Triển lãm quốc tế về giải pháp nội thất thông minh (Smart Furniture Solutions Vietnam 2024 – SFS Vietnam 2024) lần thứ 5, diễn ra chiều 11-11.
Theo ông Liêm, trong tháng 10-2024, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam ước đạt 1,5 tỉ USD, tăng 20% so với tháng 9 và tăng 16,6% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng 2024, kim ngạch của ngành đã đạt 13,2 tỉ USD, tăng gần 21% so với cùng kỳ và tiến sát mục tiêu 14,2 tỉ USD của cả năm 2024.
Các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã vươn tới 170 thị trường thế giới, trong đó 5 thị trường lớn là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ. Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và đứng thứ 2 thế giới.
“Những số liệu xuất nhập khẩu tích cực là minh chứng cho tiềm năng phát triển vượt bậc của ngành gỗ Việt Nam.
Cuối năm 2024, đơn hàng về đồ gỗ đang tăng trưởng tốt so với đầu năm, và năm 2025 dự báo nhiều tín hiệu tốt được mở ra. Do đó, các doanh nghiệp cần tăng xúc tiến, có thể tính toán đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất để đáp ứng nhu cầu”, ông Liêm nhấn mạnh.
Đồng quan điểm đó, ông Huỳnh Quang Thông, tổng giám đốc Công ty gỗ Hiệp Long (Bình Dương), cho biết thị trường Mỹ chiếm đến hơn 40% kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam, đây là thị trường rất quan trọng, và việc ông Donald Trump làm tổng thống Mỹ được kỳ vọng mở ra nhiều lợi thế cho Việt Nam.
“Mỹ có thể ra chủ trương áp thuế đối với các mặt hàng đồ gỗ nhập khẩu dao động 10 – 60%. Trong đó sản phẩm nhập từ thị trường Trung Quốc có thể vẫn bị Mỹ áp thuế cao, và chúng ta kỳ vọng mức thuế suất áp cho Việt Nam thấp”, ông Thông nhấn mạnh.
Bà Dương Thị Tú Trinh, giám đốc Công ty cổ phần thương mại dịch vụ B.I.F.A, đánh giá cơ hội cho ngành sản xuất đồ gỗ Việt Nam là khả quan, đặc biệt nhiều đơn vị sản xuất đã và đang chọn cải tiến mạnh về công nghệ, máy móc, trong đó đa phần là công nghệ thông minh từ Trung Quốc.
“Triển lãm lần này sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp quốc tế đến giới thiệu về những giải pháp tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ số sản xuất nội ngoại thất, giúp tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm trong quy trình sản xuất. Đây là điều rất hữu ích cho doanh nghiệp Việt”.
Chia sẻ tại họp báo, ông Nguyễn Trường Thi, phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, cho biết 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ của Bình Dương đạt hơn 5,4 tỉ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ, chiếm tỉ trọng 19% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh.
Các doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng giá trị xuất khẩu trong năm 2025, đặc biệt vào các thị trường lớn như là Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc.