Trước nhu cầu khám chữa bệnh và thẩm mỹ ngày càng tăng, nhiều doanh nghiệp lữ hành bắt tay với các tập đoàn y tế, thẩm mỹ để phát triển các sản phẩm đáp ứng thị hiếu của khách Việt.
Nhật Bản được biết đến là quốc gia có lĩnh vực y tế và thẩm mỹ công nghệ cao phát triển hàng đầu thế giới. Lĩnh vực này đã thu hút đông đảo du khách tại nhiều quốc gia đến khám chữa bệnh, làm đẹp trong hành trình du lịch.
Thực tế, dịch vụ y tế chiếm phần lớn chi tiêu của những du khách giàu có ghé thăm xứ sở hoa anh đào, theo công ty thẻ tín dụng Sumitomo Mitsui Card. Thống kê cho thấy, những khách hàng chi tiêu hơn 3 triệu yên (khoảng 500 triệu đồng) tại Nhật Bản trong những năm qua dành một phần lớn trong đó cho lĩnh vực “bệnh viện và phòng khám”, chiếm khoảng 30% doanh thu của thị trường inbound. Danh mục này chiếm tỉ trọng cao, chỉ đứng sau chi tiêu dành cho “trang sức và đồng hồ đắt tiền”.
Mô hình du lịch kết hợp sử dụng dịch vụ y tế và thẩm mỹ được giới chức Nhật Bản quan tâm. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước này phải đối mặt với tình trạng quá tải khách du lịch tại một số điểm đến nổi tiếng. Do đó, thu hút khách chi tiêu cao, hay tăng chất lượng doanh thu du lịch của thị trường inbound có thể là giải pháp.
Việt Nam là một trong 24 thị trường trọng điểm của Nhật Bản, với lượng khách đạt 439.600 lượt trong 9 tháng đầu năm, tăng hơn 39% so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, phát triển những sản phẩm mới, hấp dẫn du khách Việt, đặc biệt là du khách có khả năng chi trả cao, là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp.
Tại tọa đàm về phát triển du lịch y tế – thẩm mỹ công nghệ cao Nhật Bản ngày 25.11, bà Ngô Thị Ngọc Mai – Tổng giám đốc EVER Việt Nam đánh giá rằng Việt Nam không thiếu những khách hàng sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ y tế, thẩm mỹ công nghệ cao, với mới chi tiêu trung bình hàng tháng lên đến hơn một tỉ đồng.
Không ít du khách có nhu cầu thăm khám, tìm giải pháp điều trị ở nước ngoài. Đáng lưu ý, du khách đi Nhật Bản tự túc sẽ gặp rất nhiều khó khăn từ khâu tìm hiểu thông tin cho đến lựa chọn cơ sở uy tín, hoàn tất thủ tục về du lịch y tế…
Đó là lý do các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bắt tay với các đơn vị lữ hành giới thiệu dòng sản phẩm tour du lịch y tế, thẩm mỹ tại Nhật Bản tới du khách Việt Nam.
Theo đó, tour du lịch y tế, thẩm mỹ theo nhóm giá từ khoảng 110.000 triệu đồng một người. Tour trọn gói này đã bao gồm vé máy bay, khách sạn, ăn uống và chi phí dịch vụ y tế như khám sức khỏe tổng quát, tầm soát ung thư, nâng cao miễn dịch, các liệu trình thẩm mỹ…
Ông Phạm Duy Nghĩa – Tổng giám đốc Vietfoot Travel, cho rằng du lịch y tế có lẽ còn mới mẻ với du khách Việt nói chung. Doanh nghiệp từng tổ chức các đoàn khách nhỏ lẻ sang Nhật Bản du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, sử dụng dịch vụ y tế.
Sau hai năm hợp tác với các tập đoàn y tế – thẩm mỹ Nhật Bản, công ty nhận thấy lượng du khách có nhu cầu càng ngày càng tăng. “Từ đầu năm 2023, công ty đã đưa gần 1.000 lượt khách sang Nhật Bản theo chương trình du lịch, kết hợp khám chữa bệnh. Mục tiêu tiến đến 2024 mong muốn phục vụ hơn 2.000 lượt khách Việt đến Nhật Bản theo chương trình tour này”, ông nói.
Việc ra mắt tour du lịch y tế, thẩm mỹ tại thị trường Việt Nam cho thấy các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến nhu cầu của du khách. Đồng thời, hướng đến phát triển các sản phẩm cao cấp, mở ra cơ hội trải nghiệm những dịch vụ công nghệ cao tại Nhật Bản, một đất nước nổi tiếng thế giới về chất lượng dịch vụ y tế.
Ông Nguyễn Phú Bình – Nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại giao, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, một trong những người bắc cầu nối ngoại giao giữa hai nước, cho rằng du lịch là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng trong mối quan hệ hợp tác toàn diện của Việt Nam – Nhật Bản. Ông chia sẻ rằng hệ thống bệnh viện tại Nhật Bản rất tuyệt vời, do đó những du khách tới đất nước mặt trời mọc để khám chữa bệnh sẽ cảm thấy mọi dịch vụ đều đáng tiền.
Từ phía cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, ông Nguyễn Quý Phương, Trưởng phòng Xúc tiến du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đánh giá tour du lịch y tế – thẩm mỹ vừa ra mắt có thể mở ra nhiều cơ hội để phát triển dòng sản phẩm này tại Việt Nam.
“Tôi hy vọng thông qua chương trình này các bệnh viện ở Việt Nam học hỏi kinh nghiệm để làm sao chúng ta có thể làm tốt hơn các dịch vụ là thế mạnh. Tiến tới tăng cường thu hút, tạo ra những sản phẩm phù hợp với chính khách du lịch Nhật Bản dựa trên lợi thế cạnh tranh của chúng ta”, ông Phương bày tỏ.