Bình Liêu từng là huyện nghèo nhất tỉnh, thế nhưng giờ đây, sau 12 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới (NTM), huyện Bình Liêu đã có những bước chuyển mình ấn tượng.
Năm 2010, thời điểm huyện Bình Liêu bắt đầu xây dựng NTM, gần như 100% số xã trên địa bàn huyện đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chưa đến 1 triệu đồng/tháng, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đến 60%… so với bộ tiêu chí NTM, thì khi ấy toàn huyện mới chỉ đạt 2,6/19 tiêu chí, 9,8/39 chỉ tiêu.
Từ nhận diện nguyên nhân của cái nghèo, cái khó là sự hạn chế về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, huyện Bình Liêu đã quyết tâm làm mới, cải tạo đồng bộ các công trình điện, nước, đường giao thông, kênh mương thuỷ lợi…
Xã Đồng Văn là một trong những xã trước kia xe ô tô không vào được các thôn, bản, đến nay, Đồng Văn đã được kết nối hạ tầng đồng bộ. Tuyến đường Sông Moóc được xây dựng vào năm 2018, ngay sau khi đi vào hoạt động đã giúp cho toàn bộ dải rừng hồi, quế rộng lớn gần đó thuận tiện thông thương, thương lái vào tận chân đồi thu mua hoa hồi, từ đó đưa cuộc sống người dân Sông Moóc khấm khá dần lên.
Giống như Sông Moóc, bản Ngàn Chuồng thuộc xã Lục Hồn, khi xưa, cách vào bản duy nhất là trèo đèo lội suối. Tuyến đường bắt từ QL18C vào bản Ngàn Chuồng bằng nguồn vốn NTM đã làm thay đổi hẳn diện mạo của vùng dân cư này. Chỉ khoảng 60 nóc nhà, nhưng bản Ngàn Chuồng có nhiều gỗ rừng sản xuất cùng những cánh rừng hồi, quế xanh tốt ngút ngàn. Đàn trâu bò của bà con trong bản lên đến gần 300 con, đàn gia cầm trên 1.200 con. Mỗi chuyến xe tải mang lâm sản, nông sản của Ngàn Chuồng về xuôi đồng nghĩa người dân Ngàn Chuồng nhận về những khoản tiền lớn, nâng cao đời sống người dân. Hiện nay, trong thôn 40% là nhà tầng, nhà kiên cố, thôn không còn hộ nghèo. Có thể thấy, hạ tầng giao thông của huyện Bình Liêu được hoàn thiện đã góp phần quan trọng làm đổi thay những vùng dân cư trên địa bàn, tạo nên sức sống cho mỗi xã, thôn, xoá đi ký ức các vùng dân cư bị chia cắt, cô lập và nghèo khó nơi biên giới.
Trong 12 năm xây dựng NTM, huyện Bình Liêu từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông lâm nghiệp tập trung, khuyến khích các mô hình sản xuất có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Một số loại cây trồng chủ lực của huyện có diện tích, năng suất, sản lượng cao đã được nhân rộng, như diện tích cây dong riềng đạt 345ha, diện tích cây hồi trên 7.000ha, cây sở trên 400ha, cây thông trên 12.000ha…
Riêng diện tích lớn cây dong riềng của Bình Liêu đã tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho nghề truyền thống làm miến dong trên địa bàn. Toàn huyện Bình Liêu hiện có hàng chục xưởng tráng miến lớn nhỏ, với dây chuyền thiết bị hiện đại. Các xưởng miến dong Bình Liêu đều được tổ chức sản xuất theo hướng liên kết HTX hoặc tổ hợp tác. Giúp cho sản phẩm miến dong Bình Liêu trở thành sản phẩm OCOP 4 sao, sản phẩm chủ lực của tỉnh, mỗi năm lên đến cả trăm tấn, mang lại việc làm, thu nhập cho bà con.
Từ lợi thế đất rừng, nhất là đất rừng sản xuất rộng lớn, Bình Liêu từng bước chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ, sang rừng gỗ lớn, từ cây keo giá trị thấp sang các loại cây sở, hồi, thông, lim, giổi, lát… có giá trị cao và dài lâu. Mỗi năm, toàn huyện trồng mới 450ha rừng, năm 2022 trồng đến 750ha rừng, rất nhiều hộ gia đình có đời sống kinh tế khá giả, xây nhà to, xe đẹp, trang sắm thiết bị đi lại, nghe nhìn hiện đại… đều nguồn thu từ rừng.
Bên cạnh đó, Bình Liêu có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hút hồn du khách, thuận lợi để phát triển du lịch. Hiện huyện có 3 tuyến, 7 điểm du lịch, có 4 lễ hội được tổ chức thường niên là Lễ hội Hoa sở, Lễ hội đình Lục Nà, Lễ hội Soóng Cọ, Ngày hội Kiêng Gió… Năm 2022, huyện Bình Liêu đón 100.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt 40.000 lượt, đạt tổng doanh thu trên 52 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, tổng khách du lịch đến huyện Bình Liêu đã đạt gần bằng năm 2022. Như vậy, từ một địa phương du lịch là con số 0, đến nay Bình Liêu đã trở thành khu du lịch ấn tượng, được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước.
Kinh tế phát triển đã đưa thu nhập bình quân đầu người của huyện Bình Liêu năm 2022 đạt 62,5 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo của huyện chỉ còn 0,14%, toàn huyện không có nhà tạm, nhà dột nát.
Huyện Bình Liêu hôm nay đã đổi thay với diện mạo thôn, bản khang trang, sạch đẹp, hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, sản xuất nông nghiệp phát triển, du lịch tạo được ấn tượng mạnh mẽ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển nhanh, văn hóa văn nghệ thể thao sôi động, giàu bản sắc, môi trường được bảo vệ, quốc phòng an ninh được tăng cường và giữ vững… Cùng với phát triển KT-XH gắn với đảm bảo an ninh – quốc phòng vững chắc, Bình Liêu đang tiến tới là khu kinh tế cửa khẩu sôi động, trung tâm du lịch trải nghiệm văn hoá đặc sắc.