Không chỉ chịu cảnh “cá chậu chim lồng”, các phi tần của vua Nguyễn cũng phải thường xuyên đối mặt với những hiềm khích, đố kị dữ dội, những tranh cãi không dứt lẫn nhau.
Michel Đức Chaineau và bác sĩ quân y Charles-Édouard Hocquard là những người Pháp hiếm hoi được đi sâu khám phá đời sống bên trong Tử Cấm Thành của các vua Nguyễn. Với Đức Chaineau là cuộc diện kiến vua Gia Long và hoàng hậu năm ông 8 tuổi (năm 1811), còn Hocquard là cuộc viếng thăm hậu cung thời vua Đồng Khánh (năm 1886). Vậy đặc ân nào cho phép hai ông thực hiện được điều này.
Michel Đức Chaineau (Đức) vốn mang hai dòng máu Pháp – Việt. Ông là con trai của Jean Baptise Chaigneau (Nguyễn Văn Thắng) – viên quan người Pháp, người giúp đỡ vua Gia Long trong cuộc chiến với Tây Sơn – và bà Benoíte Hồ Thị Huề. Nhờ vào mối quan hệ đặc biệt của cha với đức vua, nên có lần Đức được theo cha vào tiếp kiến vua Gia Long và tiếp đó được vào tận nơi ở của hoàng hậu để bái kiến. Về sau, ông viết cuốn Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe tại nơi này.
Bác sĩ quân y Charles-Édouard Hocquard thì không có mối quan hệ thân cận với nhà vua như cha của Đức Chaineau. Ông đi theo phục vụ các cuộc viễn chinh của Pháp tại Đông Dương trong vòng 2 năm (1884-1886). Đầu năm 1886, ông đi sâu vào khám phá cuộc sống bên trong Tử Cấm Thành trong bối cảnh triều Nguyễn đã hoàn toàn thất thế trước người Pháp. Có lẽ vì vậy mà cuộc viếng thăm của ông cũng có phần cởi mở hơn, ông còn được mang cả máy ảnh vào bên trong Tử Cấm Thành để chụp cả chân dung vua Đồng Khánh, điều mà gần như trước ông chưa ai được phép làm.
Trong cuốn Một chiến dịch Bắc Kỳ, Hocquard đã có nhiều trang viết tả chân thực, hấp dẫn về kinh thành Huế, cũng như cảnh sinh hoạt của các ông hoàng, bà chúa ở nơi đây, mà ông có dịp được chứng kiến.
Những hiềm khích, đố kỵ dữ dội, những tranh cãi không dứt
Trong cuốn Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX, Michel Đức Chaigneau (Đức) ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trong lần theo cha vào cung bái kiến vua Gia Long và tiếp đó được vào tận nơi ở của hoàng hậu để bái kiến.
Những quan sát mô tả của tác giả trong hồi ức khi vào diện kiến vua Gia Long đã cung cấp cho người đọc ngày nay một số nét về ngoại hình, cũng như tính cách của nhà vua.
Tiếp đó là thời khắc tác giả được đưa vào diện kiến hoàng hậu cho phép người đọc phần nào sống lại không khí cung cấm bên trong Tử Cấm Thành. Đó là một vũ trụ chỉ toàn những cung phi, bên cạnh là các hoạn quan, những nàng hầu sống trong nhung lụa nhưng cũng thật rối rắm.
Theo mô tả của Đức, gian phòng của hoàng hậu lớn, khá đẹp mắt về cả trang trí và đồ nội thất. Khắp nơi rực sáng lên sự giàu sang và ngăn nắp sạch sẽ, không khí thoảng mùi thơm pha trộn đàn hương và hoa ngâu.
Một cái sập gụ được kê cao, nơi duy nhất để ngồi của chủ nhân ở cung này. Những quý bà ngồi ở tầm thấp hơn trên những chiếc chiếu. Hoàng hậu mặc đồ thêu lụa vàng, tựa hờ người vào cái gối vuông bọc lụa vàng, xung quanh có rất nhiều quý bà có hàm răng đen, mặc áo dài lụa đủ màu sắc. Người khăn đóng, người đầu trần, tất cả đều chân trần, với tư thế cung kính.
Hoàng hậu không còn trẻ nhưng duyên dáng, vẻ rất uy nghiêm. Vừa thấy khách bước vào, bà đã nở nụ cười độ lượng. Đức sau đó đã chào hoàng hậu nhưng thực hiện không đúng cách, liền bị phụ nữ có gương mặt nghiêm khắc nhắc nhở. Thấy cậu bé khó nhọc trong việc quỳ xuống đứng lên 5 lần, hoàng hậu đã cho phép chào bà như một hoàng hậu Pháp…
Tác giả cuốn hồi ức cũng cho biết cung cấm của vua Gia Long có hàng trăm thứ phi. Ông cũng nhận định rằng sẽ không có được sự bình yên trong điều kiện như vậy. Những hiềm khích, đố kị dữ dội, những tranh cãi không dứt và vua cũng không đủ sức để dẹp yên những rối ren trong nội bộ. Trong số các cung tần mỹ nữ đông đúc của nhà vua có rất nhiều thiếu nữ là con quan lại. Đó là một vinh dự, đồng thời cũng là lợi lộc cho quan lại có con vào cung: Trở thành sự bảo trợ đắc lực, nhất là khi được sủng ái.
Một bà phi nào đó hạ sinh được con trai có thể củng cố vị trí của bản thân, cũng như cha mình trong cung đình… Với viễn cảnh như vậy, cùng những bổng lộc tức thời, cũng đủ thúc đẩy nhiều vị quan đưa con gái vào hầu vua.
Suốt đời bị giam hãm ở hậu cung
Trong cuốn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, bác sĩ quân y Hocquard đã ghi lại đời sống của các hậu phi trong Tử Cấm Thành mà ông trực tiếp chứng kiến.
Ông cho biết, vua Tự Đức có 104 phi tần, họ được xếp vào 9 bậc, mỗi bậc có tên gọi khác nhau, triều đình trả lương tiền và bổng lộc theo các thứ bậc ấy.
Mỗi ngày vua được một số phụ nữ gồm 15 phi tần và 30 hầu gái phục vụ. Tổng số thị nữ ở hậu cung của nhà vua bao gồm 579 người, cùng 455 a hoàn, vì vậy con số nữ nhân trong cung lên tới 1.014 người, tất cả đều ăn lương triều đình.
Hocquard so sánh rằng bổng lộc của phi tần nhà Nguyễn không cao lắm, khi hoàng hậu mỗi năm chỉ nhận 1.000 xâu tiền, tương đương 800 franc, cùng 250 đấu gạo màu, 50 đấu gạo trắng và 60 súc lụa để may xiêm y; các bà nhất giai phi chỉ có 500 xâu tiền, 205 đấu gạo màu, 45 đấu gạo trắng và 48 súc lụa; các bà cửu giai tài nhân được nhận lương bổng ít ỏi, chỉ 53 xâu tiền, 180 đấu gạo màu, 56 đấu gạo trắng và 12 súc lụa.
Vị bác sĩ người Pháp cũng mô tả, các phi tần của vua nhà Nguyễn có quyền đem vào cung một số hầu gái tùy theo cấp bậc, và phải tự bỏ tiền ra trả cho họ. Hoàng hậu có thể có 12 hầu gái và tài nhân cấp thấp nhất có ba hầu gái.
Những người hầu gái này phải làm hết mọi việc, và lao động dưới sự giám sát của những bà già hơn. Những nữ giám sát này chính là người chỉ định thị nữ trong hậu cung mỗi ngày đi phục vụ vua và thái hậu, điều hành các nữ công có nhiệm vụ chèo trên long thuyền và canh gác xung quanh những phòng ốc đặc biệt của nhà vua. Số nữ công này có tới 300 người, chia thành sáu bậc.
Theo Hocquard, vợ vua được tuyển chọn bằng hai cách: hoặc là các quan lại triều đình hay các tư gia giàu có muốn có danh vọng và ân huệ cho gia đình mà hiến dâng con gái đẹp nhất của mình cho nhà vua, hoặc là các cô gái của bách tính được hoàng hậu mua về làm diễn viên, do có sắc đẹp nên được ưu ái.
Cũng theo vị bác sĩ này, một khi đã vào hậu cung thì có thể nói người phụ nữ đó suốt đời bị giam hãm ở đó với nhà vua, coi như không còn tồn tại trên đời này nữa, ngay cha mẹ cũng không còn được thấy lại. Nếu một bà bị bệnh nan y thì có thể bị gửi trả với gia đình. Trong trường hợp chết đột ngột, thì thi thể bà ta được nâng qua tường thành ra ngoài. Lý do là người ta không bao giờ được phép đưa một xác chết qua cửa cung.