Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Từ đầu năm đến nay, các cấp ủy đảng ở Quảng Ninh đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác dân vận, với những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cụ thể, thực chất, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Qua đó, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm QP-AN, thúc đẩy KT-XH phát triển.
Để kịp thời cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng đối với công tác dân vận, 9 tháng năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 23 văn bản về công tác dân vận gắn với thực tiễn địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị tăng cường đổi mới, triển khai có hiệu quả công tác dân vận, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhân dân. Trọng tâm là Chương trình hành động số 38-CTr/TU ngày 10/4/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; Chương trình hành động số 40-CTr/TU ngày 15/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các văn bản cụ thể và triển khai thực hiện công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo trên cơ sở bám sát chỉ đạo của tỉnh và các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Một số cấp ủy ban hành các chỉ thị về công tác vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tiêu biểu như Ban Thường vụ Huyện ủy Đầm Hà ban hành Chỉ thị 26-CT/HU về công tác vận động nhân dân tham gia cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch đẹp. Ban Thường vụ Huyện ủy Ban Chẽ ban hành Chỉ thị số 22-CT/HU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong vận động nhân dân đoàn kết, chung tay xây dựng NTM nâng cao trên địa bàn huyện…
Để công tác dân vận ngày càng đổi mới về nội dung, phương thức thực hiện, hướng mạnh về cơ sở, cấp ủy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống dân vận trong tỉnh tích cực, chủ động nắm tình hình nhân dân, dân tộc, tôn giáo; chú trọng thực hiện tốt công tác an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả bão số 3, sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo; tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu, cấp ủy, chính quyền với nhân dân để lắng nghe, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người dân. 9 tháng năm 2024, người đứng đầu cấp ủy 3 cấp đã tiếp dân định kỳ 3.315 cuộc, tăng 11,34% so cùng kỳ, đã trực tiếp tiếp 1.081 công dân, 998 vụ việc. Đến nay, đã chỉ đạo xử lý, hướng dẫn, chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết gần 2.300 vụ việc, tăng 11,2% so cùng kỳ.
Định kỳ hằng quý, các cấp ủy tổ chức giao ban với ban dân vận, chính quyền, LLVT, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan tư pháp để định hướng công tác dân vận, những vấn đề dư luận quan tâm để kịp thời có chỉ đạo. Cấp ủy các địa phương cũng duy trì tổ chức giao ban giữa Ban Thường vụ cấp ủy với bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu, trưởng ban công tác mặt trận thôn, khu về tình hình nhân dân và công tác dân vận. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, cấp ủy cấp huyện đã tổ chức 39 hội nghị giao ban, tiếp nhận gần 500 ý kiến phản ánh, kiến nghị, đề xuất từ đội ngũ cán bộ thôn, khu. Đến nay đã cơ bản giải quyết được 95% các kiến nghị, phản ánh.
Cùng với các hoạt động trên, để tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, phong trào thi đua “Dân vận khéo” cũng đã được hệ thống dân vận trong tỉnh triển khai sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, thu hút đông đảo nhân dân, cán bộ, đảng viên tham gia. Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã xây dựng 62 mô hình dân vận khéo cấp tỉnh; trong đó lĩnh vực phát triển kinh tế có 14 mô hình; văn hóa – xã hội có 35 mô hình; QP-AN có 11 mô hình; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị có 2 mô hình.
Thông qua thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” không chỉ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, mà còn giúp cấp ủy, chính quyền các cấp nắm bắt kịp thời tình hình, tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong quần chúng nhân dân; kịp thời tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho nhân dân về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và đồng bào có đạo.
Những việc làm cụ thể, thiết thực và những nỗ lực không ngừng trong công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy từ đầu năm đến nay đã góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước lan tỏa mạnh mẽ trong tỉnh, động viên nhân dân hăng hái lao động sản xuất, phát triển KT-XH, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, chung tay khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Đồng thời, tạo ra những thành quả to lớn trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới, theo Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Văn Hồi, thời gian tới hệ thống dân vận trong tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng nâng cao năng lực dự báo, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phù hợp với tình hình thực tế địa phương, cơ sở; triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo; tăng cường công tác nắm tình hình nhân dân; vận động nhân dân thi đua phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu đại hội Đảng các cấp đã đề ra.