Trần Thắng đang ở vào giai đoạn thăng hoa phong độ, dào dạt sức sáng tạo. Anh vẽ cuồng nhiệt, liên tục ra tranh, những bìa sách chất lượng thì phần thơ vốn là chất sống trong anh cũng chẳng thể “giấu mình” mãi nữa.
“Dốc im lặng” là tập thơ in riêng đầu tiên của họa sĩ – nhà thơ Trần Thắng. Đã 18 năm kể từ khi xuất bản chung các tập thơ “Kẻ Bắc người Nam” (năm 2005), tiếp sau là các tập thơ “Thơ chọn lọc Quán Chiêu Văn (năm 2019), “Ngày qua còn mãi” (năm 2020), anh mới chắt lọc phần đẹp nhất cho tập thơ riêng.
Nổi danh với việc thiết kế sách, Trần Thắng “khoác” cho “Dốc im lặng” một vẻ đẹp sang trọng và trầm tĩnh. Tập thơ gồm 55 bài thơ, 32 tranh phụ bản tiêu biểu cho phong cách hội họa Trần Thắng. Mỗi tranh của họa sĩ Trần Thắng đều có đề từ thi họa bằng bốn câu lục bát mà hai câu trên là của nhà thơ Trần Mai Hưởng, hai câu dưới của chính tác giả đối lại như cách để tri âm, giao tình.
Người viết như leo tới dốc cao, như lặng im mà vắt kiệt sức mình. Nhưng Trần Thắng không lên cũng chẳng xuống, anh tặng tập họa – thơ ấy cho những người đã cùng anh đi qua những tháng ngày “Dốc cạn im lặng”: Phanh ngực áo cạn chén đầy/ Cứ ngỡ môi em vùi lửa/ Ta dốc cạn im lặng/ Sao thịt da muốn thét muốn gào (bài thơ “Rượu, lửa và em”).
Trong tập thơ còn trang trọng giới thiệu bài thơ “Tháng Mười quê” được nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha phổ nhạc. Sau này, trong phần giới thiệu sách dài tới 6 trang, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha viết: Đọc thơ Trần Thắng mới thấy chàng đi vào thơ thật dè dặt, khiêm nhường. “Dốc im lặng” mang ý nghĩa của một thử thách mà con người phải mất cả đời để đạt tới độ trầm tĩnh…
Riêng tôi, cứ mãi thảng thốt lời thơ bài “Buông”: Lời kinh dẫn nhập cõi thiêng/ Ngát thơm mở cánh cửa riêng mẹ về/ Từ nay nhòa nhạt nẻo quê/Từ nay con lớn dãi dề mồ côi. Ai rồi cũng sẽ có những lúc “Dốc im lặng”.