Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump cho phép tiếp tục chính sách miễn thuế và kiểm tra hải quan với đơn hàng dưới 800 USD, nhưng các doanh nghiệp Việt vẫn lo lắng về một làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ thời gian tới.
Hãng vận tải kiểm tra kỹ nguồn gốc sản phẩm
Theo sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/2, Mỹ sẽ tạm thời cho phép các gói hàng nhỏ lẻ, giá trị thấp từ Trung Quốc được miễn thuế cho đến khi Bộ Thương mại Mỹ có thể xác nhận việc đã hình thành các thủ tục và hệ thống để thông quan các gói hàng loại này và thu thuế.
Gần 10h sáng 8/2, Công ty cổ phần giao nhận vận tải hàng hóa toàn cầu HP (HPW) đã thông báo với khách hàng về việc kiểm tra hàng hóa có liên quan đến xuất xứ Trung Quốc.
Thực tế, các quy định về vấn đề áp thuế nhập khẩu từ Mỹ như áp thêm 10% thuế, tạm ngừng áp thuế với hàng dưới 800 USD, sẽ ảnh hưởng lớn đến thời gian và quy trình thông quan hàng thương mại điện tử vào quốc gia này.
Theo HPW, các đơn hàng “Made in China”, nếu được gửi từ nước khác ngoài Trung Quốc vào Mỹ theo diện thương mại điện tử sẽ bị phạt 5.000 USD/đơn hàng. Đồng thời, thuế suất cũng sẽ được áp dụng tương tự như hàng gửi trực tiếp từ Trung Quốc.
Để kiểm soát và không ảnh hưởng đến lượng hàng đi từ Việt Nam, hãng giao nhận vận tải này sẽ triển khai các hoạt động như kiểm tra xác suất hàng hóa, kiểm tra tem mác, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Đồng thời, hãng sẽ đảm bảo hàng hóa không có nguồn gốc liên quan đến Trung Quốc hoặc “Made in China” cũng như gửi trả lại sản phẩm có tem mác tiếng Trung.
Nếu phát hiện sản phẩm có tem mác hoặc chữ Trung Quốc, HPW sẽ gửi trả lại toàn bộ hàng.
Việc này nhằm tránh rủi ro vi phạm quy định của Chính phủ Mỹ, đảm bảo hàng hóa từ Việt Nam không bị áp thuế như hàng Trung Quốc.
Không thể cạnh tranh với hàng sản xuất hàng loạt
Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng được dự đoán vẫn là khu vực chịu “tổng lực xả hàng” của các sản phẩm đa dạng chủng loại và giá cả từ công xưởng sản xuất của thế giới.
Cùng với đó, xu hướng hợp tác thông qua liên doanh và mua bán & sáp nhập (M&A) giữa doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam sẽ gia tăng.
Những năm gần đây, hàng hóa từ Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam với tốc độ ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt thông qua các nền tảng thương mại điện tử như Temu, Shein, 1688, Alibaba, Shopee và TikTok Shop.
Điều này đã đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong nước, vốn đã phải vật lộn với bài toán chi phí, thương hiệu và tâm lý tiêu dùng chuộng hàng giá rẻ.
Nói với PV, ông Đào Thế Vinh – sáng lập thương hiệu thời trang Midori – cho biết trong năm 2024, nhiều nhà bán hàng và start-up đã phải xả hàng và giảm giá sâu xuống còn 99.000 đồng cho các sản phẩm như áo thun, chấp nhận lỗ để cạnh tranh với Trung Quốc.
Kết quả là họ cạn vốn và không thể thanh toán nợ cho các nhà máy nhỏ, dẫn đến cả cụm doanh nghiệp bao gồm nhà bán hàng và nhà sản xuất bị phá sản. Theo ông Vinh, điều này cho thấy rõ tác động của việc không thể cạnh tranh về giá với Trung Quốc, đặc biệt đối với các sản phẩm thuộc phân khúc đại chúng như áo thun.