Trong khi các yếu tố vĩ mô khác như xuất nhập khẩu, đầu tư vẫn đang có dấu hiệu suy giảm thì thị trường nội địa là một trong những nhân tố hiếm hoi duy trì đà tăng trưởng. Đây được nhận định là nhân tố quan trọng hàng đầu giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
Thị trường nội địa là thị trường trọng yếu
Là một trong những doanh nghiệp điện máy được ưa chuộng của Việt Nam, ông Phùng Thế Vinh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kangaroo, Thành viên Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam chia sẻ, mảng thị trường nội địa là mảng thị trường quan trọng với Kangaroo. Thời gian qua, Kangaroo đã đẩy mạnh triển khai 4 giải pháp để xúc tiến thương mại nội địa như đẩy mạnh phát triển kinh tế số qua nền tảng thương mại điện tử nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng; Tăng cường truyền thông về Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Đầu tư hiện đại hóa kênh phân phối trên khắp cả nước; Kích cầu tiêu dùng, đưa ra sản phẩm đặc thù phù hợp với mức tiêu dùng và nhu cầu ở thời điểm hiện tại.
“Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng duy trì đà tăng trưởng trên dưới 10% thời gian qua là điểm sáng tích cực trong bối cảnh các chỉ số vĩ mô khác như xuất nhập khẩu đang trên đà suy giảm. Doanh nghiệp chúng tôi ý thức được điều này nên đã tích cực vào cuộc tham gia các chương trình kích cầu. Các chuỗi bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam gần như xác định bỏ ngỏ mục tiêu lợi nhuận để có được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kích cầu tiêu dùng”, ông Phùng Thế Vinh chia sẻ.
Kinh nghiệm từ Kangaroo cho thấy, thị trường nội địa là mảng thị trường quan trọng cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Theo Tổng cục Thống kê, thị trường trong nước được đánh giá là điểm sáng của nền kinh tế khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2023 vẫn duy trì tăng trưởng ở mức 9,7%, là động lực đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế vĩ mô.
Chia sẻ về tiềm năng của thị trường nội địa, PGS,TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ, mức tăng trưởng 9,7% là con số rất ấn tượng, gây ngạc nhiên vì tình hình kinh tế, đặc biệt là khu vực nội địa thời gian vừa rồi gặp rất nhiều khó khăn, tăng trưởng GDP thấp, đầu tư không mạnh, tổng cầu đang suy yếu…
Con số này cũng cho thấy cấu trúc thị trường nội địa và tiêu dùng đang thay đổi, có những bộ phận trước đây chưa nổi lên như thương mại điện tử thì giờ đã chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tiêu dùng. Trước đây người dân thường mua bán hàng ngoài chợ, siêu thị, còn sau đại dịch, kênh thương mại điện tử ngày càng được ưa chuộng. Về cơ bản, nó sẽ không thể hiện sức mua sôi sục như mua bán trực tiếp, song nếu như yếu tố này đóng góp mạnh mẽ có nghĩa là ta phải quan tâm đến thị trường tiêu dùng ở một góc độ khác để thấy rằng thị trường tiêu dùng vẫn đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế vĩ mô.
“Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, việc không tận dụng được thị trường nội địa chính là điểm yếu chí tử của nền kinh tế. Quốc gia này đang nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa như một yếu tố quan trọng của kinh tế vĩ mô. Còn ở Việt Nam, thị trường nội địa chủ yếu là dành cho doanh nghiệp Việt Nam. Cho nên ta cần chú ý đến điều này để kích thích sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam, để điểm sáng ấy thực sự đóng góp để duy trì bền vững kinh tế vĩ mô”, PGS,TS Trần Đình Thiên chỉ rõ.
Mong chờ “mùa vàng” cuối năm
Giai đoạn cuối năm là thời điểm quan trọng của thị trường nội địa khi vào mùa mua sắm cao điểm. Hiện nay các địa phương đều có kế hoạch triển khai các giải pháp kích cầu lớn để thúc đẩy tiêu dùng. Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp để đồng hành với các địa phương trong “mùa vàng” tiêu dùng.
Ông Phùng Thế Vinh cho biết, mùa cuối năm là mùa vàng mua sắm lớn nhất trong năm của tất cả các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam và Kangaroo. Do đó, Kangaroo đã quyết định dùng nguồn ngân sách dành cho chi phí khuyến mại lớn nhất trong năm cho mùa vàng cuối năm để đồng hành cùng các địa phương đối tác trong bán hàng. Đồng thời, đưa ra các model sản phẩm bán không lợi nhuận để kích cầu tiêu dùng.
Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc thù phù hợp, đặc biệt là phân khúc trung và phổ thông. Cuối cùng, chuẩn bị hàng hóa và kênh phân phối trải khắp để dành cho mùa tiêu dùng cuối năm.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo Chính phủ, Bộ Công thương đã có nhiều quyết sách liên quan thúc đẩy thị trường trong nước như Chiến lược phát triển thị trường trong nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Bên cạnh đó là triển khai hàng loạt các giải pháp kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại để thúc đẩy tăng trưởng thị trường.
Ông Lê Huy Khôi, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và đào tạo, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công thương nhấn mạnh, hoạt động xúc tiến thương mại là vô cùng quan trọng. “Trong thời gian tới, hoạt động này cần tập trung nhiều hơn cho phân khúc thị trường nông thôn. Đây là khu vực có quy mô dân số lớn, thu nhập của người dân đã dần được thu hẹp so với khu vực thành thị nên dư địa còn rất nhiều để có thể khai thác. Cho nên cần nhiều giải pháp đẩy mạnh kết nối cung cầu, đưa hàng về nông thôn”, ông Lê Huy Khôi chia sẻ.
Song song với đó, cần tăng cường phòng chống buôn lậu hàng nhái hàng giả để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất. Đặc biệt, thương mại điện tử đang có tốc độ phát triển mạnh nên cần có giải pháp cụ thể để định hướng phát triển lĩnh vực này trong thời gian tới.
Đồng ý kiến, PGS,TS Trần Đình Thiên cho rằng, các chương trình kích cầu tiêu dùng là rất cần thiết, và phải dùng các giải pháp mạnh. Chính sách phải tạo ra 1 cú sốc, đột phá, một cú huých mạnh cho chương trình kích cầu tiêu dùng cuối năm. Doanh nghiệp phải phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính để kích cầu tiêu dùng cuối năm, giúp thị trường sống động lên, tạo nên khí thế mới, niềm tin mới và giúp doanh nghiệp Việt Nam vực dậy.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) chia sẻ, kết nối cung cầu, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm hàng hóa là mục tiêu Bộ Công thương đang kiên định thực hiện. Theo đó, Bộ Công thương đã, đang và sẽ làm việc với các nhà phân phối lớn nhất tại Việt Nam để kết nối hàng hoá của các địa phương, tạo đầu ra ổn định.
Bộ Công thương hiện là đơn vị nòng cốt triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về triển khai Cuộc vận động này. Đồng thời, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam, tinh hoa hàng Việt Nam cũng đang được triển khai.
“Do đó, chúng tôi rất mong muốn các Hiệp hội, doanh nghiệp sẽ đóng góp những mặt hàng tinh hoa hàng Việt Nam đã nhiều năm chinh phục thị trường thế giới thì quay về thị trường trong nước để phục vụ người tiêu dùng ở thị trường nội địa. Nhiều hệ thống phân phối nội địa hay có vốn đầu tư nước ngoài rất rộng cửa với hàng Việt Nam chứ không phải chỉ nhập khẩu hàng nước ngoài về. Rất nhiều siêu thị có tỷ lệ hàng Việt nam lên đến 90% và với các sản phẩm có chất lượng tốt, tinh hoa hàng Việt Nam sẽ được ưu tiên các vị trí trong quầy kệ”, bà Lê Việt Nga cho biết.