Khi nền kinh tế ngày càng chú trọng bảo vệ môi trường, việc phát triển chuỗi cung ứng xanh, trong đó có mạng lưới logistics xanh, đang là xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Đây là động lực và hướng phát triển mới, giúp các doanh nghiệp ngành kho vận đáp ứng tốt các tiêu chí về môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh vượt trội trên thị trường.
Đã đến lúc, các doanh nghiệp logistics của Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường chuyển đổi phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường, tăng cường khả năng kết nối để thúc đẩy phát triển mạng lưới logistics xanh tại Việt Nam.
Sớm tháo gỡ vướng mắc
Phát triển chuỗi cung ứng xanh, trong đó có logistics xanh, gần như là bắt buộc nếu doanh nghiệp không muốn bị đào thải khỏi các hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp logistics lớn trên thế giới như các hãng tàu, doanh nghiệp cảng biển,… đã có lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh sớm hơn lộ trình các quốc gia cam kết. Song tại Việt Nam, quá trình này vẫn còn chậm do vướng nhiều rào cản, thách thức.
Theo đó, dù các cơ quan chức năng đã ban hành cơ chế cho phát triển chuỗi cung ứng xanh với hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật ở tất cả các loại hình vận tải, nhưng nhiều chuyên gia nhận định, quá trình thực hiện các quy định trên thực tế đạt hiệu quả chưa cao, chưa tạo nên lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, các quy định và chính sách hiện tại của Chính phủ đối với logistics xanh mới chỉ tập trung vào vận tải đường bộ. Việc hạn chế các quy định liên quan cơ sở hạ tầng logistics khác như kho bãi hay hệ thống công nghệ thông tin đã dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ trong việc áp dụng và thực hiện logistics xanh, thiếu tính kết nối, khiến chi phí logistics của Việt Nam luôn cao hơn nhiều nước trong khu vực.
Theo một số chuyên gia, do nhận thức và hiểu biết của các doanh nghiệp cũng như nguồn lực về tài chính, trình độ, năng lực còn hạn chế cho nên “xanh hóa” ngành logistics vẫn chưa thật sự được quan tâm đúng mức. Cùng với đó, việc chuyển đổi xanh đối với ngành logistics vẫn là bài toán khó cho các doanh nghiệp. Bởi hiện nay, các phương tiện vận tải hành khách cỡ nhỏ đã bước đầu chuyển từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo (điện), nhưng các phương tiện vận tải hàng hóa, tàu thủy vận tải lớn vẫn chưa thể thực hiện chuyển đổi ngay do chi phí đầu tư rất lớn.
Từ góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Ngô Sỹ Hoài cho rằng, ngành logistics thật sự cần thay đổi về “chất” để trụ vững trong bối cảnh hiện nay. Để khuyến khích doanh nghiệp, Chính phủ cần tạo thuận lợi hơn trong thương mại, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cao nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, gắn với mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 (Net-zero) đến năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại COP 26.
Cơ hội cho các doanh nghiệp
Hiện nay, cơ cấu dịch vụ vận tải của Việt Nam chưa cân đối và bền vững, với tỷ trọng vận tải đường bộ còn chiếm ưu thế hơn so với các hình thức vận tải khác. Lượng phát thải khí nhà kính từ vận tải đường bộ cao gấp 21,95 lần so với vận tải hàng không, gấp 19,94 lần so với vận tải đường biển và 245,49 lần so với vận tải đường sắt.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), mỗi năm, hoạt động vận tải ở Việt Nam thải ra hơn 50 triệu tấn CO2, trong đó, vận tải đường bộ chiếm 85% tổng lượng phát thải. Lượng phát thải này dự kiến sẽ tăng trung bình 6-7% mỗi năm và dự báo đến năm 2030, ngành vận tải sẽ phát thải lên tới 90 triệu tấn CO2.
Do đó, các doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi nhận thức về khái niệm logistics xanh, để khai thác hiệu quả hơn giao thông đường thủy nội địa, đường ven biển… Đây cũng là cơ hội giúp các doanh nghiệp vừa tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa lợi nhuận, đồng thời giảm khí phát thải từ các phương tiện ra môi trường.
Chia sẻ về quá trình chuyển đổi xanh trong hoạt động logistics, Giám đốc marketing Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn Trương Tấn Lộc cho biết, đơn vị luôn tiên phong trong hoạt động kinh doanh, chuyển đổi phương thức và thay đổi dần tập quán của khách hàng.
Trong đó, phát triển mạnh vận tải đường thủy, đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi số góp phần tối ưu các hoạt động, cung cấp dịch vụ cho khách hàng, tối ưu tổ chức sản xuất tại các khu vực cảng, giảm thời gian chờ đợi và giao nhận vận tải cho khách hàng trong cảng, giảm khí thải ra môi trường.
Mặt khác, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giao nhận vận tải cho khách hàng, cho các tàu thông qua cổng giao dịch thương mại, cho phép khách hàng sử dụng điện thoại để giao nhận hàng hóa, không dùng giấy tờ, giảm thời gian giao dịch.
Cùng với đó, tiếp tục hiện đại hóa các biện pháp kỹ thuật, chuyển đổi năng lượng trong trang thiết bị từ nguồn điện truyền thống sang sử dụng điện mặt trời. “Với việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, chúng tôi hướng đến xây dựng cảng bán tự động và tự động trong thời gian tới”, ông Lộc chia sẻ.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh khẳng định, khi các doanh nghiệp ứng dụng logistics xanh trong chiến lược của mình về lâu dài sẽ gia tăng được số lượng khách hàng, tăng nguồn thu và cắt giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện.
Nhưng để đạt được các mục tiêu nêu trên, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục xem xét có thêm nhiều chính sách hơn nữa nhằm khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, có những ưu đãi về thuế, tạo động lực và giảm chi phí cho doanh nghiệp, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thay thế nhiên liệu hóa thạch trong vận tải đường bộ.
Đối với các doanh nghiệp, việc áp dụng các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường, tối ưu hóa tuyến đường và quản lý kho hàng, cải thiện hiệu suất năng lượng, xanh hóa hoạt động logistics không chỉ giúp giảm tác động đến môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho các doanh nghiệp.