Chỉ trong vòng mấy năm gần đây, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch liên tục phải đối mặt với những khó khăn lớn. Khi đại dịch Covid-19 lan tràn là sự thiếu vắng nguồn khách và những yêu cầu khắt khe trong công tác phòng chống dịch, đổi mới để tồn tại, phát triển. Sau dịch không bao lâu thì siêu bão Yagi lại ập đến, tàn phá nặng nề cơ sở vật chất, đòi hỏi các doanh nghiệp tiếp tục vượt khó để trụ vững…
Các điểm vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng của khu du lịch Quảng Ninh Gate đã sẵn sàng đón khách từ đầu tháng 10.
Nằm giáp con sông Vàng Chua trên địa bàn xã Bình Dương (TX Đông Triều), có lẽ các cán bộ, nhân viên khu du lịch Quảng Ninh Gate không thể ngờ tới có một ngày nước sông lại dâng cao đến thế khi cơn bão Yagi đã đi qua được mấy ngày. Thuỷ điện ở đầu nguồn xả lũ, mưa lớn sau bão ở nhiều nơi dồn về, nước sông dâng cao, ngập toàn bộ mặt bằng khu du lịch, chỗ cao nhất ngập tới cả mét nước.
Vậy là dọn dẹp cây cối bị gãy đổ sau bão còn chưa xong, doanh nghiệp tiếp tục chạy lũ. Đồ đạc nhiều điểm có thể kê cao nhưng cũng nhiều chỗ phải chịu ngập. Nhiều trang thiết bị điện ở các khu công viên nước bị hỏng hóc. Cá trong ao nuôi nhiều năm theo dòng nước lạ bơi đi hết. Một số nhà đắp bằng đất cũng bị bục, hỏng. Nhiều vật nuôi trong khu trải nghiệm đảo Tím tung lưới chạy, bay đi mất. Sau lũ, nhiều mặt sàn gỗ tầng 1 khu resort bị ngâm nước sâu dài ngày hỏng hóc nghiêm trọng, việc khắc phục rất khó khăn. Cộng với đó, bùn đọng trên mặt bằng lên tới hai chục phân…
Chị Nguyễn Thị Trang, Giám đốc điều hành Khu du lịch Quảng Ninh Gate, kể: Việc dọn dẹp mất rất nhiều thời gian và tốn sức người. Khi đó, điện – nước chưa có, chúng tôi phải canh nước rút tới đâu dọn ngay tới đấy, cần nước để dọn dẹp phải múc thủ công từng xô một. Máy phát điện chạy quá tải dẫn tới bị hỏng. Kể cả điện lưới mà có lúc ấy, nhiều chỗ chúng tôi cũng không dám đấu nối ngay vì hạ tầng bị ngập, phải rà soát, kiểm tra lại không thì chập cháy hết…
Lượng khách nước ngoài đến với Legacy Yên Tử được duy trì ổn định sau bão.
Mặc dù thiệt hại lớn về nhiều mặt, thời gian khắc phục kéo dài nhưng doanh nghiệp vẫn quyết tâm mở cửa trở lại từ đầu tháng 10. Việc khắc phục thiệt hại về cơ sở vật chất sẽ tiến hành song song với hoạt động đón khách, trong đó việc tổ chức các khoá trải nghiệm cho học sinh là điểm mạnh của Quảng Ninh Gate, chủ yếu tiến hành ở các khu vực ngoài trời nên sẽ thuận lợi hơn. Còn với khu resort, các phòng ở tầng 1 chưa khắc phục được sẽ tạm thời đóng cửa, các phòng ở tầng cao vẫn tiếp tục đón khách…
Cũng chịu ảnh hưởng bởi việc ngập lụt do nước suối Giải Oan tại Yên Tử dâng cao trong bão Yagi cùng với nhiều thiệt hại về cây xanh, việc mất điện, nước, thông tin liên lạc kéo dài, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã nhanh chóng tổ chức dọn dẹp, chuẩn bị các khâu chu đáo đón khách, để du khách đến với Yên Tử ít cảm nhận được dư âm của cơn bão hơn cả.
Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty, chia sẻ: Chúng tôi thiệt hại cũng rất lớn, cho tới giờ vẫn có nhiều chỗ phải tiếp tục khắc phục nhưng đó là việc đã rồi, doanh nghiệp phải chủ động bù đắp thiệt hại, đầu tư chi phí để khôi phục. Chúng tôi xác định tinh thần là tự mình phải chủ động, không để bị gián đoạn dịch vụ, giữ những đoàn khách đã đặt trước mặc dù việc đón khách khi đó rất tốn kém, đội chi phí của doanh nghiệp lên cao.
Nhiều dịch vụ của tổ hợp vui chơi, giải trí SunWorld Hạ Long nay đã mở cửa trở lại.
Ngay sau bão, chúng tôi đã dọn dẹp, quyết tâm thực hiện đón khách để du khách sớm “quên đi” cơn bão, trở lại với Quảng Ninh thay vì đổi lịch trình sang các điểm đến khác thì các doanh nghiệp sẽ còn thiệt hại lâu dài hơn. Vì vậy, lượng khách nước ngoài đến với Legacy vẫn duy trì, trong đó có các dòng khách truyền thống là Hàn Quốc rồi khách Âu, Mỹ cùng với dòng khách mới ổn định thời gian gần đây là khách Đài Loan đi qua các công ty lữ hành tới Legacy. Và sau bão chỉ 3 hôm là chúng tôi đã đón đoàn 300 khách Đài Loan do Saigontourist đưa từ TP Hồ Chí Minh bay ra, ngủ kín hệ thống phòng của Legacy… Chúng tôi giờ đây sẽ tiếp tục tìm cách cải tiến các sản phẩm của mình để phục vụ cho tốt trong mùa thu đông và mùa xuân tới.
Cũng với quan điểm này, khách sạn 4 sao Novotel Hạ Long Bay (TP Hạ Long) bên cạnh việc đầu tư chi phí lớn để khắc phục thiệt hại về cơ sở hạ tầng sau bão vẫn duy trì đón khách. Nhiều doanh nghiệp thì dành thời gian nhất định để bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở hạ tầng và đón khách trở lại vào cuối tháng 9 tới, như: Sân golf Tuần Châu chính thức hoạt động trở lại vào ngày 27/9; Cáp treo Nữ hoàng – Đồi Mặt trời trong vui chơi giải trí SunWorld Hạ Long tiếp tục chào đón những du khách đầu tiên sau bão từ ngày 23/9.
Trong đó, hầu hết các dịch vụ của tổ hợp vui chơi, giải trí SunWorld Hạ Long đều sẵn sàng phục vụ, như: Cáp treo ngắm vịnh, cầu Koi, Bảo Hải Linh Thông tự, vườn Nhật, Làn trượt Samurai, Làng rèn Thần kiếm, khu trưng bày tượng sáp, khu vui chơi trẻ em Kidoland và nhiều trò chơi hấp dẫn khác. Riêng Công viên Rồng dự kiến mở cửa trở lại trong tháng 10 tới, chỉ còn Công viên nước đóng cửa vì lí do thời tiết và vòng quay mặt trời tạm ngừng hoạt động để bảo trì.
Vườn hoa Cao Sơn tại xã Đồng Văn (Bình Liêu) đã sửa chữa về cơ sở vật chất, đầu tư thêm để đón khách trong mùa du lịch thu đông năm nay.
Không chỉ là các doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm, thời gian kinh doanh du lịch lâu năm, sớm đầu tư để nhanh chóng trở lại đón khách mà nhiều cơ sở kinh doanh du lịch nhỏ và vừa cũng đã có những nỗ lực để vượt qua giai đoạn khó khăn sau khi bị ảnh hưởng nặng nề do bão Yagi.
Mùa thu đông này có thể nói là cơ hội cho huyện vùng núi cao biên giới Bình Liêu đón khách du lịch. Chính vì vậy, địa phương, các cơ sở kinh doanh du lịch nơi đây đã có sự chuẩn bị chu đáo. Theo thông tin từ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bình Liêu, hệ thống cơ sở lưu trú với 3 khách sạn, 24 nhà nghỉ, 13 homestay có công suất phục vụ khoảng 1.200 khách của Bình Liêu chịu thiệt hại nhẹ, cơ bản không bị ảnh hưởng do bão Yagi nên việc phục vụ du khách không bị gián đoạn. Chuẩn bị cho mùa du lịch cuối năm, các cơ sở này giờ đây đang tích cực chỉnh trang khuôn viên, thuê nhân công và đầu tư thêm các hoạt động để đáp ứng tốt hơn nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách.
Điểm tham quan chịu thiệt hại nặng nề bậc nhất do bão Yagi tại Bình Liêu là Vườn hoa Cao Sơn tại xã Đồng Văn với khu nhà kính trồng hoa bị tốc mái, một số cây bị gió bão làm đổ gãy. Tuy nhiên, ngay sau khi bão tan, nhà vườn đã tiến hành việc sửa chữa những phần hỏng hóc, lợp lại mái, gia cố lại cầu gỗ, dọn dẹp và trồng thay thế một số cây bị đổ. Đơn vị cũng chủ động chuẩn bị nguồn rau sạch và gà thả vườn, đầu tư thêm Góc trải nghiệm trang phục dân tộc để đáp ứng nhu cầu du khách khi đến với điểm tham quan, check-in này trong mùa du lịch thu đông năm nay.
Còn nhiều, rất nhiều những doanh nghiệp lớn, nhỏ, vừa trên địa bàn tỉnh bằng nhiều cách đã và đang nỗ lực để khắc phục thiệt hại do bão gây ra. Và mỗi ngày trôi qua lại có thêm những đơn vị, cơ sở có thể mở cửa từng phần/toàn diện để đón khách trở lại. Thiết nghĩ, đó là điều rất đáng được quan tâm, khích lệ và cần tạo thêm những điều kiện thiết thực để doanh nghiệp du lịch sớm phục hồi, góp phần phát triển một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.