Nhờ có đơn hàng, nhiều doanh nghiệp dệt may đã bắt tay ngay vào sản xuất ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhằm tận dụng cơ hội thị trường.
Ngày 19/2, Công ty TNHH May mặc Dony (TP. Hồ Chí Minh) bắt đầu ra quân sản xuất cho năm 2024. Ông Phạm Quang Anh- Giám đốc Dony cho biết, đơn hàng của Dony đã đủ cho sản xuất đến quý II/2024. Tuy nhiên vẫn chủ yếu là đơn hàng truyền thống đến từ Trung Đông, Mỹ, Campuchia, Malaysia được ký kết từ cuối năm 2023.
“Mới đây, khách hàng Trung Đông có hẹn báo giá cho đơn hàng số lượng khoảng 2 container 40 feet. Đây là khách hàng truyền thống cũng hứa hẹn khởi đầu tốt cho năm 2024”, ông Phạm Quang Anh nói.
Giám đốc Dony cũng cho hay, về số lượng, đơn hàng của doanh nghiệp quý I/2024 không nhiều như cùng kỳ năm 2022 nhưng gấp đôi so với năm 2023. Giá đơn hàng hiện vẫn khá thấp, doanh nghiệp làm chủ yếu lấy công làm lãi để giữ chân khách hàng, ổn định lao động và sản xuất trong lâu dài chứ không “ngóng” kiếm lợi nhuận nhiều.
Ông Phạm Xuân Hồng- Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP. Hồ Chí Minh chia sẻ tương tự khi cho hay, doanh nghiệp thành viên trong hội vẫn có đơn hàng nhưng không dồi dào. Đơn hàng hầu hết được doanh nghiệp chuẩn bị trước Tết Nguyên đán. Hiện các doanh nghiệp đang đôn đốc tìm kiếm đơn hàng để chạy đủ quý I/2024. “Hy vọng từ quý II/2024 tình hình đơn hàng sẽ tốt hơn”, ông Phạm Xuân Hồng nói.
Ông cũng đồng thời thông tin, hiện một số nhà mua hàng lớn đang có ý định chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam là một trong số các lựa chọn, do vậy doanh nghiệp trong nước kỳ vọng đơn hàng sẽ “sáng sủa” hơn nữa trong thời gian tới.
Chung bối cảnh với doanh nghiệp khu vực phía Nam, doanh nghiệp dệt may khu vực phía Bắc cũng bắt tay vào sản xuất ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày. Công ty TNHH sản xuất dịch vụ và thương mại Trường Phát (Thanh Hoá) đang sản xuất hết công suất để thực hiện đúng tiến độ các đơn hàng xuất khẩu trong năm 2024. Việc ký kết được đơn hàng xuất khẩu quần áo đi Nga năm 2024 là tín hiệu tích cực, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm người lao động. Hiện doanh nghiệp đang xây dựng nhà máy mới, sản lượng tối đa 5 triệu sản phẩm và dự kiến tuyển dụng thêm 1.000 công nhân.
Tương tự, Công ty TNHH South Fame Garments LLimitted (Thanh Hoá) đã chủ động được các đơn hàng cho sản xuất quý I, II/2024 và đang tích cực sản xuất.
Hay với Tổng Công ty May 10- CTCP (Hà Nội), theo ông Thân Đức Việt, năm 2024, ngành dệt may còn phải đối diện với hàng loạt khó khăn từ việc áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như Chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”, Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức…
Hơn nữa, đơn hàng xuất khẩu dự kiến tiếp tục giảm, xu thế số lượng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào cao. Cùng với đó là rủi ro nghĩa vụ trả nợ, rủi ro lãi suất, tỷ giá giảm. Xu hướng chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn diễn ra nhanh… là những vấn đề đặt ra với dệt may thời gian tới.
Tuy nhiên, năm nay May 10 vẫn quyết tâm đạt mục tiêu doanh thu 4.500 tỷ đồng vượt 6,6% so với năm 2023; lợi nhuận 130 tỷ đồng vượt 5,7 % so với năm 2023; thu nhập bình quân 9.500.000 đồng/người/tháng tăng 2,7% so với năm 2023.
Dệt may là một trong 4 ngành hàng đạt kim ngạch xuất khẩu tỷ USD trong tháng đầu tiên của năm 2024. Nguyên nhân là do doanh nghiệp trong ngành đã nỗ lực xoay sở để có đơn hàng cho sản xuất. Bên cạnh đó, thị trường dệt may có khởi sắc từ cuối năm 2023 kéo dài sang những tháng đầu tiên của năm 2024 cũng giúp doanh nghiệp dễ thở hơn về đơn hàng cho sản xuất.
Nhận định về tình hình ngành dệt may Việt Nam năm 2024, ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam nhấn mạnh, năm 2024 vẫn tiếp tục là năm thử thách với ngành dệt may Việt Nam, do đó doanh nghiệp dệt may không chủ quan trước những thuận lợi mới xuất hiện, không tự mãn nhưng cũng không buông xuôi trước khó khăn.
Để đạt được mục tiêu 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đòi hỏi sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp dệt may trong nước. Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước bằng các chính sách kịp thời.
Theo đó, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đề xuất, đối với gói hỗ trợ 40 ngàn tỷ đồng cho giảm lãi suất 2% đang triển khai rất chậm tại các ngân hàng thương mại đề nghị Nhà nước nghiên cứu chuyển sang hỗ trợ các dự án chuyển đổi xanh để đáp ứng các quy định mới của thị trường.
Giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, sửa đổi quy định hưởng lương hưu để giảm số lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần, sửa đổi quy định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp để tránh lao động nhảy việc, giảm tỷ lệ doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn về tối đa 1% và giảm tỷ lệ nộp lên công đoàn cấp trên tối đa 15%.