Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng cần sớm thúc đẩy nhanh lộ trình sửa đổi Nghị định 132 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn hiện nay cho doanh nghiệp.
Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản lấy ý kiến bộ, ban, ngành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định 132 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Trong đó, Bộ Tài chính thấy cần thiết phải sửa đổi, tuy nhiên lộ trình tiến hành còn đang khá chậm, dự kiến quý II năm 2024 mới báo cáo Chính phủ dự thảo Nghị định.
Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng cần sớm thúc đẩy nhanh lộ trình sửa đổi, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn hiện nay cho doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, tinh thần sửa đổi Nghị định 132 là hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp, nhưng trong tình thế doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, Bộ Tài chính có thể thúc đẩy nhanh tiến trình sửa đổi, chủ động đề xuất làm theo quy trình rút gọn để sớm tháo gỡ vướng mắc về chi phí lãi vay của doanh nghiệp.
“Trong bối cảnh rất khó khăn như hiện nay thì càng nhanh chóng hỗ trợ hơn, chính sách thuế còn bất cập, cần phải sớm bắt tay vào sửa đổi”, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nêu quan điểm.
Góp ý cho dự thảo sửa đổi, các chuyên gia cho biết cần nâng mức khống chế chi phí lãi vay thay vì để 30% như hiện nay, hoặc tính đúng, tính đủ chi phí hợp lệ cho doanh nghiệp; ngoài ra, cần định nghĩa lại các trường hợp giao dịch liên kết. Bởi hiện nay, doanh nghiệp chỉ cần đi vay ngân hàng bằng 25% vốn chủ sở hữu là đã bị quy vào có giao dịch liên kết.
“Giao dịch liên kết phải là giao dịch góp vốn, có quyền kiểm soát, có quyền điều hành. Rõ ràng khi ngân hàng cho vay là không có quyền kiểm soát, không có quyền điều hành đối với doanh nghiệp. Như vậy chúng ta không thể gọi là giao dịch liên kết. Thông lệ quốc tế cũng tương tự như vậy”, ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, nhận định.
“Không thể vì một số doanh nghiệp sai phạm mà chúng ta kiểm soát đa số doanh nghiệp chấp hành. Nếu thiểu số doanh nghiệp có hoạt động chuyển giá, kê khống chi phí thì Nhà nước bằng các công cụ của mình, bằng các cơ quan chuyên môn hoàn toàn có thể phát hiện, kiểm tra xử lý thật là nghiêm khắc”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, nêu ý kiến.
Các chuyên gia và doanh nghiệp cũng cho rằng chính sách là động lực phát triển chính của doanh nghiệp. Chính sách ban hành càng sớm, đúng thời điểm, doanh nghiệp càng có cơ hội phục hồi sớm và ngược lại.