Theo thống kê sơ bộ của TP Hạ Long, cơn bão số 3 đã khiến cho thiệt hại của các doanh nghiệp trên địa bàn lên tới trên 4.500 tỷ đồng. Hiện các doanh nghiệp đang gặp không ít khó khăn để có thể khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động, bù đắp những thiệt hại mà bão gây ra.
Tại KCN Cái Lân, bão số 3 với sức tàn phá lớn đã làm cho nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, như tốc mái, hư hỏng đồ đạc, thiết bị tại khu vực văn phòng và nhà xưởng sản xuất. Có thể kể đến như: Công ty TNHH Sợi Thế Kỷ mới Việt Nam, Công ty Sản xuất nến cao cấp AIDI; Công ty TNHH Sản xuất bao bì Ánh Dương, Công ty TNHH Wolfram… Ngoài ra, bão cũng làm gãy, đổ nhiều cột điện cao thế truyền tải điện vào các trạm biến áp 110kV, 220kV cấp điện cho KCN. Thiệt hại ước tỉnh khoảng trên 500 tỷ đồng.
Đối với KCN Việt Hưng, tình trạng trên cũng xảy ra tại Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long; Nhà máy ô tô Thành công Việt Hưng… ước thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng.
Tại CCN Hà Khánh, phần lớn hệ thống cây xanh, cột điện và hạ tầng kỹ thuật CCN bị hư hỏng. Ngoài ra, một số nhà đầu tư thứ cấp trong CCN cũng bị thiệt hại về tài sản như tốc mái, hư hỏng hàng hoá, máy móc… Tổng thiệt hại sơ bộ ước tính khoảng trên 20 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tuấn Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn kinh tế Hạ Long (chủ đầu tư CCN Hà Khánh, phường Hà Khánh) cho biết: Hiện nay phần lớn các doanh nghiệp trong CCN chưa thể khôi phục sản xuất trở lại do nhà xưởng, máy móc, cột điện, trạm biến áp đã bị hư hại. Điều mà doanh nghiệp cần nhất lúc này là vốn, trong khi nhiều đơn vị đã thế chấp nhà xưởng cho những khoản vay trước đó…
Cơn bão số 3 đã khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của TP Hạ Long bị thiệt hại nặng, như: Công ty Đóng tàu Hạ Long; Công ty Điện tử Vạn Lực; Công ty CP Xi măng Hạ Long; Công ty CP Nhiệt điện Thăng Long; Công ty CP Thanh Hương; Công ty Xăng dầu B12, Cảng container quốc tế CICT, Công ty CP Cảng Quảng Ninh; Công ty CP Ngọc trai Hạ Long. Đặc biệt là một số tập đoàn kinh tế bị thiệt với con số hàng trăm tỷ đồng, trong đó có Tập đoàn Tuần Châu, Sun Group, BIM group.
Về phía các đơn vị ngành Than trên địa bàn thành phố ghi nhận thiệt hại lên tới trên 420 tỷ đồng do hầu hết cây xanh, cây cảnh quan, cây trồng cải tạo phục hồi môi trường bị gãy, đổ. Trung tâm Quản lý dữ liệu quan trắc môi trường TKV, Trạm biến áp 35/6kV mỏ Hà Tu bị hư hỏng nặng.
Lĩnh vực du lịch cũng bị ảnh hưởng gần 500 tỷ đồng do tàu, thuyền bị đắm, chìm, hư hại. Lĩnh vực nông nghiệp thiệt hại lên tới 1.185 tỷ đồng, chủ yếu là thiệt hại về rừng.
Để kịp thời ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, TP Hạ Long đã làm việc với Chi cục Thuế thành phố để thực hiện rà soát, tháo gỡ những chính sách thuế, tập trung chủ yếu vào các nội dung: Chậm nộp, gia hạn nộp thuế; miễn thuế, giảm thuế; chi phí được trừ khi tính thuế TNDN; khấu trừ thuế GTGT đầu vào liên quan đến thiệt hại do gặp thiên tai.
Thành phố cũng đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Ninh xử lý, hoặc tham mưu để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các biện pháp kịp thời tháo gỡ về vốn vay cho doanh nghiệp, tổ chức bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Cụ thể là khẩn trương rà soát đánh giá thiệt hại của các doanh nghiệp và người dân để phối hợp với địa phương xác nhận thiệt hại của khách hàng trong trường hợp xử lý khoanh nợ, xoá nợ; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi vay; tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay. Liên quan đến những doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, thành phố đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ thiệt hại về cây trồng, vật nuôi, tổ chức sản xuất, điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cây trồng, vật nuôi và bổ sung hỗ trợ nhà, kiến trúc phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hạ Long, cho biết: Cộng đồng doanh nghiệp thành phố đánh giá cao những động thái quyết liệt của thành phố khi đã tích cực vào cuộc để lắng nghe, báo cáo tỉnh tìm giải pháp. Chúng tôi cũng rất mong muốn khi chính sách của Trung ương, của tỉnh được ban hành, thành phố tiếp tục có những giải pháp để chính sách hỗ trợ được triển khai nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả và trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng cũng cần đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá. Bởi lẽ khi doanh nghiệp dừng sản xuất sẽ kéo theo hàng nghìn người lao động của thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp.