Các thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu cho rằng, việc Bộ Công Thương đề xuất thương nhân phân phối không được mua hàng lẫn nhau vô hình trung biến những doanh nghiệp này rơi vào vị thế phụ thuộc, làm thuê cho các thương nhân đầu mối.
Doanh nghiệp bán lẻ lo bị thâu tóm
Nhóm doanh nghiệp phân phối, thương nhân bán lẻ xăng dầu vừa tiếp tục có văn bản kiến nghị gửi Bộ trưởng Công Thương về dự thảo lần 4 Nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Trong văn bản này, cộng đồng thương nhân phân phối và bán lẻ xăng dầu tiếp tục bày tỏ lo ngại về quy định thương nhân phân phối “chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau”.
Theo các doanh nghiệp, quy định này chưa hợp lý, chưa có tính khách quan, khoa học, vượt thẩm quyền và trái với Luật Đầu tư. Nội dung này cũng đã được nhiều bộ ngành và chuyên gia cảnh báo; trong đó Bộ Tư pháp cho rằng có nguy cơ vi phạm Luật Cạnh tranh năm 2018.
“Việc đề xuất các thương nhân phân phối không được mua hàng lẫn nhau của Bộ Công Thương vô hình trung biến doanh nghiệp rơi vào vị thế phụ thuộc, làm thuê cho các thương nhân đầu mối. Việc này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khi các thương nhân đầu mối đang có vị thế độc quyền tự nhiên. Bởi từ nhiều năm qua trên thị trường có một doanh nghiệp siêu lớn chiếm tới 51% thị phần, có đủ các quyền kinh doanh của thương nhân đầu mối, đặc biệt có hệ thống phân phối từ nhập khẩu, bán buôn và bán lẻ tới tận người tiêu dùng”, cộng đồng thương nhân phân phối và bán lẻ xăng dầu chia sẻ.
Các doanh nghiệp kiến nghị cần có giải pháp để làm giảm vị thế độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường của các doanh nghiệp lớn, siêu lớn, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phân phối và bán lẻ không bị thâu tóm, phù hợp với tinh thần, mục tiêu của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Dự thảo nghị định cần cho thương nhân phân phối được mua xăng dầu của thương nhân phân phối khác như Nghị định 95; xem xét lại sự tồn tại của Qũy bình ổn giá xăng dầu vì quỹ này hoạt động không hiệu quả, ít phát huy tác dụng trong khi tạo gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, và bị một số doanh nghiệp lớn lạm dụng, trục lợi như vừa qua”, các doanh nghiệp kiến nghị.
Làm rõ cơ chế doanh nghiệp quyết định giá bán
Một nội dung khác mà các thương nhân phân phối và bán lẻ xăng dầu vẫn còn băn khoăn là việc dự thảo nghị định đề xuất trao quyền cho doanh nghiệp tự định giá xăng dầu. Nhà nước chỉ công bố giá sản xuất xăng dầu thế giới, chi phí tạo nguồn, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức.
Các doanh nghiệp cho rằng quy định này vẫn chưa thay đổi nhiều so với trước đây khi vẫn quy định chi phí tạo nguồn, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… vẫn do Nhà nước định giá (đưa ra con số cụ thể). Điều này chỉ khác với quy định cũ là doanh nghiệp thay Nhà nước thực hiện phép tính cộng.
“Chúng tôi thắc mắc về việc xác định giá thị trường thế giới là giá gì, bởi thị trường xăng dầu Việt Nam cơ bản phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu thô hoặc thành phẩm từ bên ngoài. Do đó, việc công bố giá thị trường thế giới như thế nào sẽ đóng vai trò rất quan trọng để doanh nghiệp định hướng kinh doanh”, đại diện nhóm doanh nghiệp cho hay.
Các doanh nghiệp đề nghị cần đổi mới căn bản và thực chất việc giao quyền định giá, thỏa thuận về giá và cạnh tranh về giá theo quy định của Luật Giá theo hướng; giá xăng dầu là mặt hàng không phải do Nhà nước định giá mà là mặt hàng bình ổn giá, còn việc quy định giá là do doanh nghiệp tự quyết định giá.
“Phải nhất quán bảo đảm quyền thực sự cho doanh nghiệp tự định giá, thỏa thuận và cạnh tranh về giá theo cơ chế thị trường, chứ không phải doanh nghiệp được quyền tự tính giá không vượt mức chi phí, lợi nhuận (hoặc mức tối đa) do Nhà nước quy định như dự thảo Nghị định. Còn Nhà nước sẽ thực hiện cơ chế hậu kiểm”, cộng đồng doanh nghiệp cho hay.
Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam – cho rằng đã là thị trường, thương nhân phân phối mua ở đâu và bán ở đâu là do họ, không nên quy định hạn chế. Việc các thương nhân đầu mối được mua bán của nhau giúp chủ động điều hòa cung cầu trong phạm vi, khu vực phụ trách, đảm bảo tính linh hoạt, và ứng phó với tình trạng thiếu hụt xăng dầu xảy ra cục bộ. Do đó, đề xuất thương nhân phân phối không được mua hàng lẫn nhau cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng.
“Nếu Nhà nước muốn điều tiết việc này, có thể quy định cho phép thương nhân phân phối mua bán của nhau, với tỷ lệ cụ thể. Ví như, 50 – 70% mua thoải mái của doanh nghiệp đầu mối, còn lại 30% mua bán lẫn nhau. Bởi, đây chính là nghiệp vụ điều hoà thị trường”, ông Bảo chia sẻ.
Mới đây, Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương có lý giải về việc vì sao đưa ra quy định “không cho thương nhân phân phối mua hàng của nhau”.
Theo vụ này, việc đưa ra đề xuất trên do thực hiện ý kiến kết luận của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra về việc giảm tầng nấc trung gian trong khâu phân phối xăng dầu.
Sau khi nhận nhiều ý kiến phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp, Vụ Thị trường trong nước cho biết ở dự thảo mới Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ hai phương án: Dự thảo Nghị định quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau, chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Còn phương án hai, dự thảo Nghị định tiếp tục quy định thương nhân phân phối xăng dầu được quyền mua bán xăng dầu với nhau như hiện tại.