Ngày 11/3, Đoàn giám sát Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh làm việc với huyện Bình Liêu và Ba Chẽ về “Công tác quả lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến nay” và thực hiện Nghị quyết số 194 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh. Đồng chí Vũ Thị Diệu Linh, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, Trưởng đoàn giám sát chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo, huyện Bình Liêu có 1.043 cơ sở thực phẩm. Trong đó số cơ sở thuộc ngành Y tế là 178 cơ sở; lĩnh vực nông nghiệp 725 cơ sở. Hằng năm, huyện đều ban hành các văn bản chỉ đạo công tác ATTP trên địa bàn. Đến nay ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quá trình sản xuất kinh doanh thực phẩm được nâng cao. Đội ngũ cán bộ tham gia công tác ATTP từ huyện và các xã, thị trấn được kiện toàn và ổn định hoạt đông, phát huy năng lực, vai trò trách nhiệm trong công việc. Công tác kiểm tra về thực phẩm giả, thực phẩm lậu, không rõ guồn gốc xuất xứ rõ ràng được kiểm soát thường xuyên và xử lý kịp thời.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn có những tồn tại như: Cán bộ công tác ATTP tuyến huyện, tuyến xã thiếu, kiêm nhiệm nhiều việc. Trên địa bàn huyện vẫn còn những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ chưa thực hiện đúng, đủ các quy định về ATTP….
Đối với huyện Ba Chẽ hiện có 692 cơ sở kinh doanh thực phẩm, trong đó chủ yếu là các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, hoạt động có tính chất tạm thời, mùa vụ. Từ năm 2021 đến nay, UBND huyện đã thành lập 09 lượt đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra 123 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện. Kết quả 7/123 cơ sở vi phạm kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các xã, thị trấn thành lập 72 lượt đoàn kiểm tra liên ngành trong các đợt cao điểm Tết Nguyên đán, Tết Trung thu… Đồng thời, thực hiện kiểm tra liên ngành định kỳ, đột xuất trên các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, công thương.
Tại buổi làm việc các thành viên Đoàn giám sát đề nghị huyện Bình Liêu làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến thông tin, công tác tuyên truyền; vai trò trách nhiệm của cấp huyện trong công tác kiểm tra giám sát, phối hợp với các đơn vị liên ngành, các phòng liên quan ở cấp xã, công tác tập huấn về ATTP cho các chủ cơ sở…
Đoàn đề nghị huyện Ba Chẽ làm rõ một số hạn chế ghi nhận tại cơ sở như: Công tác quản lý cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, nhất là đối với các cơ sở nông nghiệp, cơ sở trồng cây dược liệu; vai trò trách nhiệm của cấp huyện trong công tác kiểm tra giám sát, phối hợp với các đơn vị liên ngành, các phòng liên quan ở cấp xã; quản lý đối với các mặt hàng nông sản tươi sống không nhãn mác; lập hồ sơ kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm ATTP; quy chế quản lý dược và thực phẩm chức năng; niêm yết giá, tem nhãn trên bao bì sản phẩm; quản lý trên các phần mềm để kịp thời phát hiện các sản phẩm hết hạn; yêu cầu đánh giá chất lượng của các đơn vị sản xuất, nhất là thực hiện bảo hộ lao động tại các cơ sở; quản lý nguồn gốc xuất xứ hàng hóa từ tỉnh ngoài vào địa phương…
Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 194/2019/NQ-HĐND tỉnh, đề nghị huyện Ba Chẽ chỉ đạo rà soát lại các quy trình, các biên bản thẩm định, thành phần lãnh đạo nghiệm thu đảm bảo đúng quy định. Địa phương cần quan tâm kiểm soát đảm bảo các hỗ trợ đối với 12 dự án liên kết tổ chức sản xuất thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm của huyện. Tăng cường công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức của các chủ cơ sở, nhất là đối với các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP của địa phương; đồng thời cần có giải pháp nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về vấn đề ATTP; tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện quy định ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.