Sáng 19/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia vào 2 dự án luật trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, gồm: Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Đến dự có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà giới thiệu khái quát về nội dung, tầm quan trọng của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Cùng với Luật Đất đai (sửa đổi), hai dự án luật này có phạm vi tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến quyền lợi của đông đảo người dân. Các quy định của pháp luật về nhà ở, bất động sản lần này đều được tiếp cận và quy định trên cơ sở quyền con người về sở hữu, tài sản, nhà ở, đất đai, được kỳ vọng tạo nên động lực mới cho thị trường bất động sản, đồng thời bảo đảm thị trường phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.
Đóng góp ý kiến vào 2 dự án luật, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) qua các lần lấy ý kiến đóng góp đã chỉnh lý các nội dung, cũng như phân định phạm vi điều chỉnh để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các luật, nhất là dự thảo Luật Nhà ở và Luật Đất đai.
Chỉ ra những nội dung chưa phù hợp của 2 dự thảo luật, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi một số quy định để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Cụ thể, đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đề nghị bãi bỏ quy định “Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội làm việc tại các khu công nghiệp thuê”; bỏ nội dung xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư cần điều chỉnh giao cho UBND cấp huyện nơi có dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ thực hiện; việc bán, cho thuê, mua nhà ở xã hội hình thành trong tương lai đề nghị sửa đổi theo hướng chỉ yêu cầu đầu tư xây dựng xong phần hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án.
Đối với dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), các ý kiến đề nghị luật cần quy định rõ: Dự án bất động sản phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch chi tiết được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; thời điểm thu tiền đặt cọc sau khi dự án có thiết kế cơ sở được thẩm định và số tiền cọc không vượt quá 10%..; bổ sung hình thức huy động vốn thu tiền đặt cọc theo thỏa thuận với khách hàng trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để thống nhất với dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, Đoàn sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiên cứu, xem xét, lựa chọn, làm cơ sở để có các ý kiến phản ánh tại diễn đàn Quốc hội. Các ý kiến sẽ góp phần xây dựng, hoàn thiện hoạt động lập pháp, bảo đảm tính công khai, minh bạch, khả thi, phù hợp với thực tiễn phát triển và có sức sống bền lâu. Cùng với việc góp ý, thảo luận tại hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trong thời gian tới để chung tay thực hiện tốt quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hợp hiến, hợp pháp.