Thực hiện chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 23/1, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức họp Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới, hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023” trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, chủ trì cuộc họp.
Chương trình giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới, hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023” nhằm xem xét, đánh giá những nội dung trọng tâm sau: Đánh giá khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện chính sách pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc việc thực hiện các chính sách pháp luật của đơn vị sự nghiệp công lập; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân; đề xuất những giải pháp kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế…
Đối tượng giám sát là một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Thời gian thực hiện giám sát dự kiến từ ngày 29/1 đến ngày 5/2/2024. Thành phần đoàn giám sát bao gồm các ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, đại diện một số sở, ngành.
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan đến phân công nhiệm vụ của Đoàn giám sát, tổ thư ký, giúp việc Đoàn giám sát và kiến nghị một số nội dung liên quan đến công tác giám sát như: Xác định đối tượng giám sát trực tiếp; bố trí thời điểm giám sát hợp lý; thành phần tham gia giám sát…
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, nhấn mạnh, đây là hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng để tìm ra những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như những đặc thù riêng, những cách làm riêng của tỉnh đối với những đơn vị này. Trên cơ sở kết quả hoạt động giám sát, Đoàn giám sát sẽ có kiến nghị, giải pháp thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của tỉnh, các bộ, ban, ngành Trung ương, Chính phủ và Quốc hội nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức, quản lý thực hiện chính sách, pháp luật về việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng chí yêu cầu tổ thư ký, giúp việc đôn đốc các đơn vị gửi báo cáo về đoàn ĐBQH tỉnh đúng thời gian quy định để các thành viên Đoàn giám sát có thời gian nghiên cứu. Đồng thời, sắp xếp kế hoạch, số lượng thành viên tham gia các cuộc giám sát trực tiếp tại các địa phương, đơn vị một cách hợp lý; đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ của chương trình giám sát; chú trọng công tác truyền thông… Đại diện các sở, ngành là thành viên đoàn giám sát tham gia đầy đủ các hoạt động của đoàn. Đồng thời, đóng góp tham gia ý kiến trên cơ sở những vướng mắc, bất cập xuất phát từ thực tế công tác quản lý trong lĩnh vực được giao phụ trách.