Sau những tác phẩm điện ảnh Việt thắng lớn ở phòng vé, một số đạo diễn, chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh nhìn nhận, khó tìm ra công thức để làm phim có doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Thay vì tìm kiếm giải pháp rập khuôn, sự thay đổi và chuyển mình từ cốt lõi của nền điện ảnh mới là cơ sở cho ra đời những bộ phim chất lượng.
Tay ngang làm phim trăm tỷ đồng
Những năm gần đây, thị trường điện ảnh trong nước tăng trưởng mạnh, tốc độ trung bình từ 20-25%/ năm. Mỗi năm, từ 40-60 phim điện ảnh Việt Nam được sản xuất và ra rạp. Năm 2023, 5 phim Việt có doanh thu cao nhất phòng vé đều vượt ngưỡng 100 tỷ đồng, đó là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầy, Đất rừng phương Nam, Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh, Nhà bà Nữ. Kỳ vọng về những siêu phẩm doanh thu trăm tỷ đồng được nối dài khi phim Mai của Trấn Thành khởi chiếu dịp Tết Nguyên đán 2024 cán mốc 500 tỷ đồng, trở thành tác phẩm điện ảnh Việt Nam ăn khách nhất.
Mai của Trấn Thành là minh chứng cho thấy, thị trường điện ảnh và thị hiếu khán giả Việt rất khó lường. Trước ngày ra rạp, nhiều chuyên gia dự đoán, Mai khó vượt qua thành tích của Nhà bà Nữ, vì chủ đề tình yêu, thân phận phụ nữ khó hấp dẫn và chinh phục người xem bằng câu chuyện về tình cảm gia đình.
Nhiều người giải mã hiện tượng Trấn Thành và nhận ra, anh trung thành với bối cảnh trong khu trọ, chung cư cũ, tập trung lao động nghèo. Đó là nơi những số phận, tính cách khác nhau cùng va chạm, tạo xung đột như một xã hội thu nhỏ. Nhân vật với câu chuyện đời thường gần gũi đánh vào tâm lý khán giả.
Ngoài Trấn Thành, một đạo diễn tay ngang cũng gây bất ngờ ở phòng vé là Lý Hải. Từ một ca sĩ thị trường, anh trở thành người đứng sau thương hiệu phim riêng mang tên Lật mặt, kéo dài tới phần thứ 7 – dự kiến phát sóng tháng 4/2024. Tổng cộng 6 phần phim Lật mặt đã lên sóng giúp Lý Hải thu về khoảng 700 tỷ đồng. Tương tự Trấn Thành, Lý Hải tập trung vào cốt truyện đơn giản, lời thoại và bối cảnh đời thường.
Điểm chung thường thấy giữa một số bộ phim doanh thu tốp đầu của điện ảnh là sở hữu gương mặt đình đám phòng vé, có yếu tố hài hước, thời điểm ra rạp trùng dịp lễ Tết và ê-kíp đầu tư mạnh cho truyền thông. Tuy vậy, không có cơ sở nào đảm bảo nếu thực hiện đủ những yếu tố trên, phim sẽ nắm chắc phần thắng.
Thay đổi từ cốt lõi
GS. Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội, cho rằng, không có công thức như công thức toán học để giải các bài toán về sáng tạo điện ảnh, thị trường điện ảnh, người xem điện ảnh. “Tuân thủ theo một công thức cứng nhắc luôn dễ dẫn tới thất bại. Nhân vật trong phim của Trấn Thành không phải từ trên trời rơi xuống đó là nhân vật của đời thường chứa đựng những bi kịch của tồn tại. Trấn Thành đã rất thành công trong việc tỉnh thức và kéo người xem đồng hành với nhân vật của mình”, GS. Hiệp nói.
Ông nhận định, điện ảnh Việt Nam khi bắt đầu phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường rất cần phải thay đổi chương trình đào tạo và quy trình làm phim. Cốt lõi của sự thay đổi đó là tác phẩm điện ảnh phải hướng tới khán giả. “Vị thế của người làm phim, mối quan hệ của người làm phim với người xem phải có sự thay đổi. Nó không làm thay đổi bản chất sứ mệnh của nghệ thuật mà chỉ giúp cho việc thực hiện sứ mệnh đó hiệu quả hơn. Chinh phục, đồng hành với khán giả là lẽ sống còn của điện ảnh. Chính điều đó nói lên vai trò, tài năng của người làm phim”, GS. Hiệp phân tích.
Không có công thức rập khuôn, song các phương pháp làm phim hiện đại là cơ sở tạo ra những bộ phim làm khuynh đảo phòng vé. Đạo diễn Bùi Trung Hải lấy ví dụ, phương pháp làm phim của điện ảnh Mỹ hướng đến khán giả, chủ yếu dựa trên mâu thuẫn, phát triển và giải quyết mâu thuẫn (kịch bản 3 hồi). Tất cả giải thưởng, liên hoan phim đều phục vụ việc đưa phim đến với nhiều khán giả hơn. Phương pháp làm phim của châu Âu lại đề cao tác giả, không quá phụ thuộc vào doanh thu.
Đạo diễn Bùi Trung Hải nhấn mạnh, điện ảnh Việt muốn có nhiều bộ phim doanh thu cao như Mai, Nhà bà Nữ phải có chiến lược phát triển cụ thể, lâu dài. Đây là điều điện ảnh Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo từ các quốc gia lân cận. Thái Lan thực hiện cam kết với ngành công nghiệp điện ảnh, lên kế hoạch hình thành Cơ quan Văn hóa Sáng tạo Thái Lan với ngân sách 200 triệu USD, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quay phim, cấp phép địa điểm, tài trợ phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. Hàn Quốc chọn giải pháp cải tiến hệ thống kiểm duyệt phim trước đây quá cồng kềnh để thực hiện phân loại phim theo lứa tuổi.
Ông Hải nêu giải pháp xây dựng các quỹ hỗ trợ điện ảnh, tham gia vào quá trình sản xuất phim, phát hành phim ở nội địa và quốc tế, đào tạo, liên hoan phim, đổi mới trang thiết bị hiện đại. Kinh phí các quỹ này trích từ lợi nhuận của các ngành kinh doanh điện ảnh, phần trăm giá vé phim chiếu rạp, lợi nhuận phim chiếu trên truyền hình hoặc phát hành trực tuyến,…