Người dân Cà Mau không mấy xa lạ với việc dỡ chà. Thế nhưng với du khách, được một lần cùng những lão nông đi dỡ chà trong vuông tôm bắt cua, cá sẽ có ấn tượng khó quên với nét văn hóa độc đáo miền sông nước này.
Ông Lê Minh Tỵ, chủ nhân của điểm dừng chân Tư Tỵ (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) là người gắn bó với vùng rừng ngập mặn Cà Mau. Tuổi thơ của ông gắn liền với những buổi lội vuông giăng lưới, bắt cá.
Du khách khó quên với dỡ chà bắt cá ở Cà Mau
Mong muốn có nhiều người được trải nghiệm những kỷ niệm đẹp đó như mình nên ông Tỵ đã tận dụng vuông tôm hơn 7 héc ta kết hợp trồng rừng của mình để làm du lịch.
Du khách có thể trải nghiệm câu cá thòi lòi, câu cua, mò sò, mò ốc và đặc biệt là cùng nông dân giăng lưới, dỡ chà bắt cá.
Những đống chà được tận dụng từ các nhánh cây đước, cây mắm có sẵn trong vuông tôm, người cắm chà sẽ chọn những nơi yên tĩnh, nước sâu để dụ tôm cá lại trú ngụ. Sau khoảng 2 tháng, cá tôm về nhiều, lúc này các nhóm du khách được chia nhỏ khoảng 4-5 người để cùng người dân dỡ chà bắt cá.
Để tránh cá chạy mất, người dân sẽ giăng lưới xung quanh đống chà trước khi dỡ. Song song đó, người dỡ chà sẽ quậy bùn hoặc ném bùn vào nước để cho nước đục, cá không thấy đường lẩn trốn theo các gốc cây. Lúc này, cứ men theo các gốc cây, nhánh chà mà mò sẽ bắt được nhiều loại như cá nâu, cá ngát, tôm, cua.
Anh Nguyễn Phát Triển, du khách ở TP.HCM cho biết đã lâu lắm mới về Cà Mau dỡ chà bắt cá. Tôm, cua, cá ở đây nhiều nên mình dễ bắt lắm. Tham gia vầy làm mình nhớ lại tuổi thơ đi theo ông bà ngày xưa, cảm thấy rất vui.
Việc dựng chà và dỡ chà hiện nay không chỉ đơn thuần là một nghề mưu sinh của người dân miền Tây sông nước mà còn được nhiều người dân, địa phương nỗ lực gìn giữ, phát huy để tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo.
Việc làm này không chỉ bảo tồn nét văn hóa cộng đồng mà còn tạo sinh kế, nâng cao đời sống của người dân, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch địa phương.
Điểm độc đáo trong dỡ chà bắt cá là du khách sẽ tự tay mò bắt được những loại cá, tôm, cua trong vuông. Người bắt phấn khích khi bắt được nhiều loại cá nâu to hơn bàn tay, trọng lượng mỗi con cá có khi lên đến hơn nửa kg.
Để bắt được cá, du khách cần có những kỹ năng nhất định, hoặc ít nhất phải nghe theo sự hướng dẫn của chủ vuông bởi cá nâu, cá ngát là những loài có gai độc. Những du khách ít kinh nghiệm sợ cá đâm thì có thể đi gỡ lưới, mò sò.
Trong vuông tôm rừng tự nhiên của ông Tỵ có hàng trăm đống chà nằm rải rác để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách gần xa.
Trong các buổi tham gia cùng người dân dỡ chà bắt cá, du khách sẽ nhận biết được đặc điểm của các loài cá ở vùng ngập mặn, cách nhận biết khu vực có cá, tôm, cua và cuối cùng là chiến lợi phẩm thu được là vài ba kg cá nâu, cá ngát, nếu may mắn thì có thêm được cua, tôm, sò để chế biến thành các món ăn yêu thích.
Bắt cá theo cách này, du khách sẽ chọn được những con cá to, con nhỏ sẽ được thả lại xuống vuông.