Với tầm vóc, giá trị của mình, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng cần được định hướng trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn và hướng đến tầm nhìn của một di sản thế giới.
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh và TX Quảng Yên đã có nhiều nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể tại Quyết định số 322 ngày 18/2/2013. Mục tiêu của dự án là bảo tồn và tôn tạo di tích, nhằm giáo dục và ghi nhớ về truyền thống yêu nước đối với các thế hệ người Việt Nam, giới thiệu với quốc tế về lịch sử dân tộc Việt Nam và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội.
Đồng thời, từng bước hiện đại và đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, đổi mới phương hướng đầu tư gắn mục tiêu bảo tồn với khai thác, phát huy giá trị di tích; hoạch định các tuyến du lịch liên kết di tích, đưa các không gian bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể vào quy hoạch chung để định hướng và bảo tồn phát huy giá trị di tích… Quy mô quy hoạch tổng thể có diện tích 380ha, gồm 11 điểm di tích đền, miếu, bãi cọc…
Dự án đầu tư phân kỳ theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu di tích 7,8ha, đường giao thông vào các di tích bãi cọc Đồng Má Ngựa, bãi cọc Đồng Vạn Muối, đình Trung Bản; các công trình Nhà trưng bày Chiến thắng Bạch Đằng, Nhà điều hành đón tiếp, các công trình kiến trúc khác trong khu dịch vụ ẩm thực truyền thống, Khu giới thiệu nghề truyền thống, Khu trò chơi dân gian chủ đề lịch sử. Đến nay, đã triển khai GPMB và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các công trình Nhà điều hành, đón tiếp khu A, diện tích 247m2. Các hạng mục chưa triển khai gồm: Đường giao thông vào các di tích bãi cọc Đồng Má Ngựa, bãi cọc Đồng Vạn Muối, đình Trung Bản, Nhà trưng bày Chiến thắng Bạch Đằng, cụm biểu tượng, tượng đài, quảng trường.
Gần đây nhất, vào ngày 31/1, UBND thị xã đã tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến các nhà khoa học về phương án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng. Tại hội nghị, sau khi nghe đơn vị tư vấn báo cáo thông tin chung về quy hoạch dự án, tiến độ triển khai các hạng mục theo giai đoạn phân kỳ, ý tưởng phương án điều chỉnh quy hoạch và những nội dung của quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, các nhà khoa học đầu ngành đã trực tiếp tham vấn đối với các ý tưởng trong phương án điều chỉnh quy hoạch và nhận định rõ tính pháp lý của quy hoạch 1/500, ý nghĩa quan trọng của việc điều chỉnh quy hoạch.
Theo đó, phương án điều chỉnh quy hoạch di sản chi tiết tỷ lệ 1/500 cần phải tạo được sự khác biệt và độc đáo, sáng tạo, so sánh với TX Đông Triều, TP Uông Bí và TP Hạ Long. Quy hoạch cần đặt ra vấn đề kết nối các di tích trong hợp phần di sản thế giới ở các địa phương lân cận. Về vấn đề bảo tồn di sản, tìm ra các vết tích chiến thắng Bạch Đằng phần lớn nằm trong lòng đất.
Tuy nhiên, dấu ấn này mới chỉ mang ý nghĩa về vật chất, phải thể hiện được ý nghĩa to lớn của chiến thắng Bạch Đằng trên phạm vi quốc gia, phạm vi thế giới. Để biến vật chất quy mô không lớn nhưng lại thể hiện được tầm lịch sử vĩ đại, có sức lan tỏa, ảnh hưởng tới các nước trên thế giới thì cần phải tái hiện được lịch sử, tái hiện được chiến thắng Bạch Đằng. Quy hoạch cố gắng tối đa bảo tồn giữ lại cảnh quan sinh thái xưa. Tái hiện đôi bờ cảnh quan sinh thái hai bên bờ sông Chanh, bến đò cổ… Quy hoạch phải đặt trong bối cảnh thiên nhiên, lịch sử, đặc biệt là con người Yên Hưng đã làm nên chiến thắng lịch sử Bạch Đằng.
PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho rằng, một trong những lý do cần điều chỉnh quy hoạch là phải nhìn nhận Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng ở tầm nhìn rộng hơn, hướng tới di sản thế giới và TX Quảng Yên sẽ là thành phố công nghiệp, đô thị loại II trong tương lai. Và đây là một thành tựu văn hóa rất lớn của dân tộc Việt Nam. Với tư cách là một hợp phần di sản thế giới, ý tưởng điều chỉnh quy hoạch cần phải nhìn nhận toàn diện, bổ sung các danh mục, trong đó đề nghị xếp hạng tuyến đê biển Hà Nam là di tích quốc gia. Yêu cầu hồ sơ quy hoạch hoàn thiện mang tính chuyên nghiệp, quốc tế. Quy hoạch di tích lịch sử cũng phục vụ cho chiến lược phát triển văn hóa, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp văn hóa mà TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh có ưu thế, điều này cần dựa vào cảnh quan sinh thái và bãi cọc Bạch Đằng.
Việc nâng tầm giá trị di tích hướng đến tầm nhìn di sản thế giới càng có ý nghĩa khi hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc vừa được trình lên UNESCO để xét công nhận là Di sản thế giới, gồm 18 cụm di sản và 32 điểm di tích, trong đó đã điều chỉnh mở rộng phạm vi và đưa vào danh mục nghiên cứu đối với khu di tích Bạch Đằng. Trước đó, vào năm 2021, để hoàn thiện hồ sơ đề cử, UBND tỉnh đã mời Trung tâm Karst và Di sản địa chất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nghiên cứu các đặc điểm, giá trị địa chất – địa mạo và đa dạng sinh học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, với phạm vi nghiên cứu được mở rộng kéo dài về phía Đông, từ cửa sông Bạch Đằng đến các đảo Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng.