Cùng với các nguồn lực như đất đai, tài nguyên, con người, việc huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính ngân sách địa phương có ý nghĩa rất quan trọng, đáp ứng sự phát triển bền vững của địa phương. Vì vậy, tỉnh đã nâng cao tính chủ động trong nắm bắt, dự báo tình hình tài chính ngân sách, cân đối tổng thể nguồn lực một cách vững chắc và kịp thời, từ đó có các cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách công khai, minh bạch.
Năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu thu NSNN đạt 54.000 tỷ đồng (thu hoạt động XNK 12.000 tỷ đồng, thu nội địa 42.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, ngay từ đầu năm tình hình KT-XH trong tỉnh có không ít khó khăn, như: Nhiều doanh nghiệp tạm ngừng và giải thể; thị trường bất động sản, chứng khoán kém sôi động; hoạt động biên mậu gặp khó khăn do chính sách phía Trung Quốc không ổn định; giá nguyên, nhiên vật liệu tăng mạnh…
Trong bối cảnh giảm thu gần 1.500 tỷ đồng khi thực hiện các chính sách miễn, giảm, thuế phí của Trung ương và tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, tỉnh đã quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển KT-XH, triển khai thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế, trong đó tập trung phát huy vai trò của Tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh thu ngân sách. Tổ công tác này đã tăng cường nhiệm vụ để thúc đẩy các dự án thứ cấp trong KCN, KKT sớm đi vào hoạt động; chỉ đạo hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngành Than hoạt động (nhất là về quy hoạch, giấy phép khai thác, thăm dò, nâng công suất,…); chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tạo điều kiện tối đa để ngành điện, xi măng, điện tử, dệt may, dầu ăn, bột mỳ… đẩy mạnh sản xuất, gia tăng số lượng sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa.
Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức họp đánh giá tiến độ thực hiện, đôn đốc các địa phương về đẩy nhanh tiến độ xây dựng giá đất và tổ chức đấu giá đất, chấn chỉnh hoạt động của Hội đồng thẩm định giá đất, nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu pháp lệnh của Trung ương giao là 7.500 tỷ đồng. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, địa phương khai thác tối đa dư địa tăng trưởng từ lĩnh vực xây dựng, khuyến khích sử dụng nguyên vật liệu xây dựng được cung cấp trên địa bàn tỉnh. Các địa phương có thế mạnh về du lịch, như: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả… tận dụng tối đa lợi thế từ hệ thống giao thông đồng bộ, mở rộng các sản phẩm du lịch mới để đẩy mạnh thu hút khách du lịch.
Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm theo dõi, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế để tập trung tăng thu vào lĩnh vực đang có dư địa tăng thu (thu từ khu vực doanh nghiệp trung ương, thu thuế thu nhập cá nhân, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản,…), từ đó bù đắp cho các khoản chưa đạt dự toán (thu doanh nghiệp nước ngoài, thu ngoài quốc doanh, thu lệ phí trước bạ, thu thuế bảo vệ môi trường,…).
Nhằm tạo thế chủ động trong công tác quản lý, điều hành ngân sách, tăng khả năng tự cân đối, đảm bảo mục tiêu phát triển KT-XH của các địa phương, tỉnh cũng tăng cường phân cấp nguồn thu cho các địa phương để phấn đấu giảm dần số bổ sung từ ngân sách cấp tỉnh. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện thu có trách nhiệm tăng thu phần thuế, phí ở mức cao nhất theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh. Đối với địa phương có nhiệm vụ đầu tư, nâng cấp đô thị là TX Quảng Yên và TX Đông Triều thì được ngân sách tỉnh cấp bổ sung có mục tiêu để các địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Với sự linh hoạt, quyết liệt, tổng thu NSNN thực hiện ước cả năm đạt trên 55.600 tỷ đồng (bằng 103% dự toán), duy trì nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Các khoản thu đóng góp vào thuế, sản phẩm dự kiến tăng 9,5% so với kịch bản đầu năm.
Đối với nhiệm vụ chi ngân sách ước cả năm gần 29.600 tỷ đồng (bằng 100% dự toán). Để đáp ứng được nhiệm vụ phát triển, công tác chi điều hành ngân sách địa phương được tỉnh triển khai theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm” ngay từ khâu xác định nhiệm vụ chi. Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương cắt giảm các khoản chi không thật sự cần thiết, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí hội thảo, hội nghị, đi nghiên cứu trong nước và nước ngoài.
Đồng thời, yêu cầu Sở Tài chính và các địa phương thực hiện giao dự toán chi tiết cho từng đơn vị, địa phương ngay từ đầu năm để triển khai, thực hiện giải ngân, phấn đấu đến 31/12/2023 giải ngân 100% dự toán được giao. Bám sát chỉ đạo, các địa phương đã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc công tác này.
Theo ông Nguyễn Văn Công, Bí thư Thị ủy Đông Triều, công tác điều hành ngân sách của tỉnh thực sự linh hoạt, quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm và sát với thực tế của cơ sở khi đã chuyển vốn sự nghiệp sang vốn đầu tư. Nguyên tắc phân bổ nguồn vốn điều chỉnh là điều hòa, ưu tiên cho các dự án hoàn thành, chuyển tiếp; vốn GPMB; các dự án quan trọng, trọng điểm thuộc các ngành, lĩnh vực và hỗ trợ các địa phương có tác động lớn tới phát triển KT-XH để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, giao quyền chủ động cho các địa phương trong sử dụng vốn chấm điểm, kịp thời giải quyết khó khăn liên quan đến nguồn thu từ tiền sử dụng đất. Hằng tháng, các địa phương phải báo cáo tiến độ giải ngân và địa phương nào có tỷ lệ giải ngân thấp phải báo cáo làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc không đạt tiến độ…
Nhờ chủ động trong điều hành các nhiệm vụ thu, chi NSNN, Quảng Ninh đã đảm bảo nguồn lực để cân đối, hài hòa giữa các lĩnh vực, vùng miền, vừa gia tăng động lực cho tăng trưởng, vừa tạo động lực để thu hút nguồn vốn ngoài xã hội, vừa đảm bảo công tác an sinh xã hội.