Trong quá trình phát triển, hát then nghi lễ của người Tày Quảng Ninh và diễn xướng chầu văn hầu đồng có khá nhiều điểm tương đồng, tác động qua lại với nhau.
Cả hát Then và chầu văn hầu Mẫu đều là loại hát thuộc về thờ cúng mà thờ cúng với bất cứ dân tộc nào cũng có rất sớm, theo vũ trụ quan vạn vật hữu linh. Theo lịch sử, người Tày cổ (Âu Việt) đã dung hợp với nhóm Việt Mường cổ (Lạc Việt) ngay từ buổi đầu dựng nước để góp phần quan trọng hình thành nên dân tộc Việt Nam. Quá trình cùng chung sống lâu dài, người Tày đã chịu ảnh hưởng ít nhiều của văn hoá Việt, tạo ra sự gắn bó chặt chẽ, tác động qua lại với nhau. Điều đó thể hiện khá rõ trong những nét tương đồng giữa nghi thức Then nghi lễ với diễn xướng chầu văn hầu đồng của người Việt.
Có một giả thuyết khác cho rằng: Then có từ thời Lê – Mạc, do ông Bế Phùng đặt ra. Vua nhà Mạc thấy, Then múa hát làm cho mình được vui vẻ, khỏe mạnh hơn, bèn cho phổ biến trong dân. Lại có truyền thuyết kể rằng, có một thời gian, nhà Mạc rút chạy, quan quân đau ốm rất nhiều. Một viên quan bày cách cho một nhóm binh sĩ có học thức làm Then để giải khuây, đem lại kết quả một cách không ngờ. Từ đó, vua nhà Mạc truyền cho quân sĩ phổ biến ra ngoài dân chúng.
Tham luận tại hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản diễn xướng Then trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bình Liêu” do Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, phối hợp với huyện Bình Liêu tổ chức, TS. Đinh Đức Tiến, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, nhìn nhận: Ở không gian văn hóa phía Bắc, người Kinh có tín ngưỡng thờ Mẫu, người Tày có nghi lễ Then. Các dòng chảy văn hoá tâm linh dân gian đã trở thành đặc trưng của từng tộc người nhưng chúng không tồn tại độc lập, tách rời nhau, mà theo thời gian, chúng tương tác, tiếp thu lẫn nhau để tạo nên sự đa dạng cho đời sống tâm linh đất Việt cho đến hiện nay.
PGS. TS. Nguyễn Thị Yên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa và bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam, cho rằng, khi Then vào cung đình, các nghệ sĩ, nhà thơ và thầy cúng đã bổ sung cho phù hợp với nhu cầu thưởng thức cũng như tâm lý của tầng lớp vua quan. Chính vì thế, mà Then đã được cách tân, văn bản lời hát, từ ngữ trau chuốt, hành văn lưu loát, giàu hình ảnh hơn, nhiều tích cổ bằng từ Hán Việt có pha trộn tiếng Kinh.
Then nghi lễ và diễn xướng chầu văn hầu đồng cùng là loại âm nhạc dân gian mang hình thức lễ nhạc tín ngưỡng để bày tỏ lòng thành kính đến các lực lượng siêu nhiên. Chầu văn trong diễn xướng hầu đồng có nội dung ca ngợi công đức của các vị thánh mẫu với dân với nước, hướng thiện và cầu cho quốc thái dân an. Trong khi đó, Then nghi lễ cũng có vai trò đặc biệt giúp tiếp cận với thế giới siêu nhiên, để bắc cầu giao tiếp với người trần gian.
Về đặc điểm nội dung và hình thức, Then nghi lễ có nhiều điểm giống diễn xướng chầu văn hầu đồng của người Việt, đặc biệt là những nghi lễ tạo nên yếu tố “thiêng”. PGS.TS. Võ Quang Trọng, Phó Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam, cho rằng: Hầu đồng của người Việt và Then của người Tày là hiện tượng con người “tự thôi miên” để đưa mình vào trạng thái ảo giác đặc biệt.
Điều kiện để yếu tố thiêng hình thành là âm nhạc và múa. Bởi thế nên nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cũng giống như hát chầu văn trong diễn xướng hầu đồng, Then nghi lễ của người Tày là một hiện tượng văn hoá dân gian tổng thể có tính nguyên hợp, đều là hình thức nghi lễ diễn xướng nghệ thuật tổng hợp gồm có hát, nhạc, múa. Nói khác đi, đây đều là nghi lễ được diễn xướng bằng hình thức hát kể chuyện có kèm theo nhạc và nhảy múa, có sự hỗ trợ của nhiều yếu tố sân khấu dân gian.
Múa chầu trong Then là điệu múa thể hiện sự tôn kính với thần linh. Theo PGS. Nguyễn Thị Yên, múa chầu Then xuất phát từ trong tín ngưỡng dân gian, qua quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, múa chầu được nâng cao, phát triển và đưa vào cung đình phục vụ vua chúa. Sau khi nhà Mạc tan rã, múa chầu Then lại trở về đời sống dân gian. Múa chầu bước dần từ không gian nhà sàn lên sân khấu biểu diễn và thâm nhập vào thực tế cuộc sống mới, hơi thở của thời đại để từ đó tạo ra những giá trị văn hóa mới, tô điểm thêm cho đời sống tinh thần của nhân dân.
PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, cho rằng: Tương đồng giữa Then nghi lễ và diễn xướng chầu văn hầu đồng nằm ở chỗ những nghi lễ đó đều tạo ra cảm giác linh thiêng. Âm nhạc có khác nhau về giai điệu, nhạc cụ, nhưng có điểm chung là tạo ra một không gian linh thiêng, sự liên hệ giữa tâm hồn con người với thần linh. Do đó, âm nhạc không chỉ là tín ngưỡng mà còn là sắc thái hoạt động dân gian làm cho con người sảng khoái hơn.
Những điểm tương đồng giữa Then nghi lễ với hát chầu văn trong diễn xướng hầu đồng cho thấy, mối quan hệ khăng khít gắn bó, đa dạng nhưng thống nhất trong văn hóa các dân tộc, góp phần khẳng định rằng, Quảng Ninh có một gia tài văn hoá rất phong phú và gắn kết.