“Cái giá của hạnh phúc” do Xuân Lan sản xuất có lẽ là dự án hiếm hoi Thái Hòa tham gia và bị thua lỗ. Thái Hòa được mệnh danh “diễn viên triệu USD” vì luôn tham gia những dự án phim gây bão phòng vé.
Thái Hòa từng được ví là gương mặt bảo chứng phòng vé, bởi sức diễn chiều sâu, đa dạng của anh. Thời còn đóng những vai hài, Thái Hòa giúp hàng loạt dự án gây bão như Tèo em, Để mai tính, Long Ruồi… Khi chuyển sang những vai có chiều sâu, gánh vác nhân vật có tâm lý phức tạp, Thái Hòa trở thành sức hút lớn bậc nhất ở những phim như “Tiệc trăng máu”, hay gần nhất là “Con Nhót mót chồng”.
“Tiệc trăng máu” ra rạp trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch vẫn đoạt doanh thu 175 tỉ đồng. Thái Hòa gây ấn tượng mạnh về diễn xuất.
Năm 2023, “Con Nhót mót chồng” gần như ra rạp cùng thời điểm với “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh”, cũng chịu cảnh áp đảo về suất chiếu, nhưng cuối cùng vẫn cán mốc gần 80 tỉ đồng doanh thu.
“Cái giá của hạnh phúc” không có được số phận như thế. Chịu lép vế toàn tập trước sự càn quét của “Lật mặt 7”, phim do Xuân Lan sản xuất mới đạt doanh thu 25 tỉ đồng tính đến ngày 2.5.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong suốt đợt nghỉ lễ 30.4-1.5, “Cái giá của hạnh phúc” rất ít suất chiếu ở các rạp Hà Nội, mỗi suất chiếu bán được vài vé. Suất chiếu lúc 10h40 tại một rạp Hà Nội chỉ có 3 người xem.
Điểm yếu lớn nhất của “Cái giá của hạnh phúc” nằm ở kịch bản. Câu chuyện hôn nhân với nhiều góc tối của vợ chồng Dương (Xuân Lan) – Thoại (Thái Hòa) được xây dựng với quá nhiều tình tiết ôm đồm, khiến đường dây kịch bản và diễn biến tâm lý nhân vật chồng chéo, thiếu nhất quán.
Đinh Công Thoại – vai diễn của Thái Hòa được miêu tả là nhân vật khốn nạn cùng cực, mưu mô, thủ đoạn. Thoại cưới Dương vì tiền, toan tính lọt vào công ty gia đình cô chỉ để hưởng sự giàu có.
Chính vì không yêu Dương, Thoại cặp với 7 bồ nhí cùng lúc, tất cả những cô bồ này đều là những tên tuổi nổi tiếng ở giới showbiz.
Sợ Dương phát hiện, Thoại luôn phải tỏ ra yêu thương vợ, luôn xây dựng hình ảnh người đàn ông hoàn hảo.
Thế nhưng, tâm lý nhân vật Thoại không được xâu chuỗi hợp lý qua các tình tiết phim. Một mặt, Thoại có thể quỳ sụp xuống hôn chân vợ, cầu xin vợ tha thứ, lo sợ bị vợ phát hiện ngoại tình. Nhưng ở một tình huống khác, Thoại lại thản nhiên ngủ với con dâu ngay tại nhà, phát ra rất nhiều tiếng động đến mức vợ đi qua dễ dàng nhận ra.
Thoại được miêu tả là người thủ đoạn, thực dụng, nhiều mưu tính suốt cả phần lớn thời lượng phim, nhưng lại nhanh chóng sụp đổ vì vài bức ảnh vợ cũ gửi đến.
Thoại đã chia tay mối tình đầu từ rất lâu, họ không còn liên lạc sau nhiều năm. Thoại hoàn toàn có thể đặt câu hỏi về nguồn gốc, lai lịch, năm sinh của vợ mới (đang bị nhầm lẫn là con gái ruột).
Trong tâm lý hoảng loạn, sụp đổ khi lầm tưởng vợ mới là con gái ruột, thay vì điều tra, tìm hiểu rõ sự việc, Thoại bỗng nhiên lại… lao đến công ty (để tại đây, đạo diễn dàn xếp cho Thoại gặp “bóng ma” của bố vợ).
Sự bất nhất trong diễn biến tâm lý “hoảng loạn” của nhân vật Đinh Công Thoại là một trong những lỗ hổng lớn của kịch bản phim “Cái giá của hạnh phúc”.
Tuy nhiên, diễn xuất của Thái Hòa vẫn là một điểm sáng. Ở nhiều phân đoạn, Thái Hòa vẫn khẳng định được tài năng, khả năng biến hóa của anh trong sự phức tạp của nhân vật Thoại. Phân cảnh hoảng loạn, đau đớn, tự hành hạ bản thân sau khi lầm tưởng vợ mới là con gái ruột, Thái Hòa diễn xuất thần, thể hiện được cảm xúc hỗn tạp đầy bi kịch của nhân vật Thoại.
Cách nhấn nhả lời thoại, cách diễn cho ra chất u tối trong con người Thoại cho thấy khả năng nhập vai đầu tư và tâm huyết của Thái Hòa.