Điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu không dùng hết được bán lên hệ thống quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt, theo Nghị định của Chính phủ.
Ngày 22/10, Chính phủ ban hành Nghị định 135 về khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Quy định này áp dụng với các nguồn năng lượng mặt trời tự dùng lắp đặt trên mái nhà ở, cơ quan công sở, khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, công nghệ cao, khu kinh tế và cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu không dùng hết được bán lên hệ thống điện quốc gia, tối đa 20% công suất lắp đặt thực tế. Các công trình lắp trên mái công sở, tài sản công sẽ không được mua bán lượng điện dư.
Các dự án điện mặt trời mái nhà tự dùng không nối với lưới quốc gia được phát triển không giới hạn công suất, miễn giấy phép hoạt động điện lực. Tương tự, các hệ thống có thiết bị chống phát ngược lên lưới hoặc lắp tại hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ dưới 100 kW cũng thuộc trường hợp miễn trừ này.
Ngược lại, các hệ thống công suất từ 1.000 kW trở lên và bán điện dư vào lưới quốc gia phải thực hiện thủ tục quy hoạch, có giấy phép hoạt động điện lực.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là bên mua và thanh toán cho các tổ chức, cá nhân bán sản lượng điện dư thừa phát lên hệ thống. Giá mua là giá điện thị trường bình quân của năm trước liền kề, do đơn vị vận hành hệ thống và thị trường điện công bố.
Hiện cả nước có khoảng 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đặt hơn 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô loại nguồn này đến 2030 thêm 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.
Trước đó, khi xây dựng dự thảo, Bộ Công Thương từng cho biết chính sách không “mặn mà” với mua bán điện mặt trời mái nhà, bởi nguồn điện này không ổn định, phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Trong khi đó, để mua lượng điện dư thừa, Nhà nước phải bỏ ra nhiều chi phí đầu tư hệ thống lưu trữ, truyền tải và vận hành, bảo dưỡng. Song, góp ý sau đó, nhiều chuyên gia đề xuất cho phép người dân lắp điện mặt trời mái nhà tự dùng được bán phần dư lên lưới. Nhà chức trách có thể quy định giới hạn tỷ lệ dư thừa để tránh trục lợi chính sách, nhất là ở các khu, cụm công nghiệp.
Ngoài cho phép bán điện dư, theo quy định mới, các dự án điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu còn được hưởng ưu đãi về thuế, thủ tục hành chính rút gọn… Hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ được miễn hoặc không phải điều chỉnh giấy phép kinh doanh. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân được khuyến khích tự lắp hệ thống lưu trữ điện (BESS) để bảo đảm vận hành an toàn, ổn định.
Tuy nhiên, cơ chế khuyến khích sẽ không áp dụng với trường hợp điện mặt trời mái nhà không liên kết với lưới quốc gia để bán cho tổ chức, cá nhân khác. Việc mua bán này sẽ theo quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA).