Trước khi hy sinh ở bên kia đèo Lũng Lô, trên đường đến mặt trận Điện Biên Phủ vào tháng 6-1954, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã say sưa ký họa rất nhiều khoảnh khắc trong đời sống bắt đầu thanh bình trở lại của người dân miền núi bao năm nuôi kháng chiến.
Những khoảnh khắc đẹp lắng dịu của cuộc sống đời thường đồng bào dân tộc miền núi đã được nét bút tài hoa và một tâm hồn luôn rộng mở đón nhận cái đẹp dù ở bất cứ hoàn cảnh nào của họa sĩ Tô Ngọc Vân ghi nhanh, đang được trưng bày cùng hơn 60 tác phẩm khác cùng chủ đề Điện Biên, trong triển lãm Đường lên Điện Biên tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Những bức họa cuối cùng đều dành cho vẻ đẹp của hòa bình
Họa sĩ Vi Kiến Thành – nguyên cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, cục trưởng Cục Điện ảnh – cho biết bức ký họa cuối cùng mà họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ là bức ký họa đèo Lũng Lô.
Khoảng 2 tiếng sau khi vẽ bức này thì ông trúng bom của quân Pháp và hy sinh ở bên kia đèo, gần mặt trận Điện Biên Phủ.
Đó là vào giữa tháng 6-1954, khi trận Điện Biên Phủ mới kết thúc với phần thắng vang dội thuộc về ta.
Cái chết ngay sau khoảnh khắc hòa bình của một danh họa khiến ai ai nghe đến cũng tiếc thương vô hạn và thấm cái giá quá đắt của độc tập, tự do và hòa bình, hạnh phúc.
Càng xúc động hơn khi xem những bức tranh cuối cùng của người họa sĩ, liệt sĩ đầu tiên của giới mỹ thuật.
Khi mặt trận vẫn còn vương mùi thuốc súng và chiến tranh chưa kết thúc hoàn toàn, người nghệ sĩ ấy trên đường lên mặt trận chỉ hân hoan với những phút giây lắng dịu của đời thường lúc hòa bình bắt đầu gõ cửa.
Ông vẽ khoảnh khắc người dân miền núi chuẩn bị đi chợ, cho ngựa ăn, quán bên đường và phụ nữ ngồi yên bình may vá…
Điện Biên Phủ trong tranh Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng
Cảnh những phụ nữ dân tộc ngồi vá khâu bình thản trong hang tránh bom đạn quân thù cũng làm rung động họa sĩ tài hoa Trần Văn Cẩn.
Góp trong gia tài mỹ thuật Việt Nam sáng tác về Điện Biên Phủ của danh họa này có tác phẩm tranh lụa Ở hang, vẽ khoảnh khắc đẹp của lòng can trường và kiên định đi theo cách mạng của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc đang ngồi trong hang may vá.
Triển lãm còn giới thiệu những tác phẩm của danh họa Nguyễn Sáng.
Ngoài tác phẩm Kết nạp đảng ở Điện Biên thành bảo vật quốc gia vẽ lòng dũng cảm vô song và tinh thần quyết chiến quyết thắng lớn lao của bộ đội ta, Nguyễn Sáng cũng không quên vẽ nụ cười hạnh phúc và những bước chân hân hoan đang gánh thóc góp cho mặt trận của những anh chị nông dân.
Hay vẽ tình cảm quân dân thắm thiết, sâu nặng trong tác phẩm Tình quân dân.
Người xem triển lãm nhận ra bên cạnh những tác phẩm vẽ cái hào hùng, anh dũng của chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, những khoảnh khắc của chiến thắng vang dội nơi mặt trận là những tác phẩm cho thấy sức mạnh nội tâm lớn lao của những nghệ sĩ nói riêng và người Việt mình nói chung.
Phải có một nội lực mạnh mẽ lắm người ta mới luôn nhìn ra cái đẹp và nâng niu cái đẹp ngay cả khi chiến tranh tàn bạo và cái chết cận kề.
Nhiều người đồng ý rằng đó chính là sức mạnh đặc biệt đã giúp người Việt làm lên những kỳ tích như Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và những chiến thắng lừng lẫy khác suốt lịch sử ngàn năm của dân tộc.