Mỗi năm, có một lượng lớn dự án phim điện ảnh Việt Nam ra mắt và nhiều phim được chọn dự thi quốc tế. Những thành quả bước đầu với giải thưởng vừa tầm mang đến tín hiệu vui, nhưng vẫn chưa tạo nên dấu ấn mang tính quy mô, tầm cỡ.
Với chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam, trong đó có công nghiệp điện ảnh, nền điện ảnh Việt đang có điều kiện thuận lợi để phát triển. Dù vậy, những lúng túng, bất cập về nhiều mặt đang cản trở quá trình hội nhập của điện ảnh.
Bước chuyển ghi dấu ấn thế hệ trẻ
Luật Ðiện ảnh năm 2022 kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Ðiện ảnh năm 2006 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành điện ảnh. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, ngành điện ảnh đã đầu tư tham gia và tổ chức các liên hoan phim quốc tế, các tuần phim Việt Nam tại nước ngoài nhằm góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Theo thống kê của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), từ năm 2010 đến nay, điện ảnh Việt Nam đã tham gia gần 150 liên hoan phim quốc tế với 330 lượt đầu phim; gửi phim tham dự giải thưởng danh giá Oscar và nhiều liên hoan phim uy tín, như: Cannes, Berlin, Thượng Hải, Tokyo, Busan… trong đó, một số sân chơi có sự đầu tư kinh phí của Nhà nước.
Năm 2023, bộ phim “Bên trong vỏ kén vàng” của đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân đoạt giải Camera Vàng tại Liên hoan phim Cannes cho hạng mục phim dài đầu tay xuất sắc nhất. Trước đó, phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm được trao giải Ðạo diễn xuất sắc nhất và giải Ðặc biệt của Ban giám khảo cho phim đầu tay tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam và lọt vào Top 15 giải thưởng danh giá Oscar cho phim tài liệu… Quay trở về những năm trước, một số phim của các nhà làm phim độc lập còn trẻ về tuổi đời, tuổi nghề cũng đã giành giải cao tại các liên hoan phim, như: Busan (Hàn Quốc), Fajr (Iran), Tokyo (Nhật Bản)…
Theo đánh giá từ giới chuyên môn, có thể xâu chuỗi điểm chung của các phim đoạt giải quốc tế: Phần lớn tác phẩm đều mang tính nhân văn, có sự sáng tạo với sự tìm tòi làm phong phú thêm ngôn ngữ điện ảnh và truyền tải được nét đặc trưng của vùng đất, con người. Có phim được thực hiện công phu, nhiều ẩn dụ như “Những đứa trẻ trong sương” của Hà Lệ Diễm về phong tục “cướp vợ” của đồng bào dân tộc H’Mông với hàng loạt những vấn đề vẫn còn nhức nhối.
Ðối lập với bối cảnh, từng góc quay đều cho thấy vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên Việt Nam, cuộc sống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Nữ đạo diễn chọn đi sâu vào cuộc sống của họ nhằm thể hiện tinh thần nhân văn, sâu hơn là vấn đề về giới.
Ðạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Ðặng Tất Bình, nguyên Giám đốc Hãng phim truyện 1 Việt Nam cho rằng: Nền điện ảnh của đất nước nào cũng sẽ phải cố gắng tìm kiếm ra những cái mới lạ để có thể phát triển và thu hút khán giả. Việt Nam là đất nước có nhiều điều lạ, không chỉ về phong cảnh, về bối cảnh, mà còn lạ ở suy nghĩ. Thách thức của các nhà làm phim là câu chuyện nắm bắt, truyền tải ra sao.
Cùng với việc gửi phim tham dự các liên hoan phim quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tổ chức nhiều chương trình tuần phim, ngày phim Việt Nam tại nước ngoài và trong nước như Tuần phim Việt Nam tại Cuba, Argentina, Iran, Bahrain, Qatar. Chương trình Tiêu điểm điện ảnh Việt Nam giới thiệu 20 bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam tại Liên hoan phim Ba Châu lục 2023 tại Nantes (Pháp)…
Sau khi Luật Ðiện ảnh năm 2022 cho phép mở rộng chủ thể được tổ chức liên hoan phim tại Việt Nam, ngoài Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, năm 2023, Việt Nam đã có Liên hoan phim quốc tế thứ hai là Liên hoan phim châu Á Ðà Nẵng được tổ chức tại Ðà Nẵng, bước đầu có những thành công nhất định với sự tham gia của một số phim chất lượng.
Cần sự đổi mới sâu sắc hơn
Xét một cách khách quan, các giải thưởng quốc tế mà điện ảnh Việt chinh phục được vẫn ở mức vừa tầm, chưa đủ quy mô, tầm cỡ tạo nên bước ngoặt; tại các liên hoan phim quốc tế tổ chức tại Việt Nam, chủ yếu vẫn là phim trong nước, chưa có sự quy tụ đông đảo phim chất lượng từ quốc tế.
Tại các hội thảo về điện ảnh, giới chuyên môn cho rằng, trong nhiều nguyên nhân khiến điện ảnh nước nhà chưa vươn tầm quốc tế thì rào cản chính là do bản thân nội tại của ngành điện ảnh chưa có nguồn nhân lực đủ tài năng, sức sáng tạo để ghi dấu ấn mạnh mẽ; chưa có mối liên kết chặt chẽ trong cùng môi trường điện ảnh để phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả. Bên cạnh đó, năng lực quảng bá phim ra quốc tế của các nhà sản xuất còn hạn chế.
Về vấn đề nguồn nhân lực, hiện nay chỉ có Trường đại học Sân khấu-Ðiện ảnh (ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, cùng một số khoa đào tạo nghệ thuật ở các trường đại học khác cung cấp đầu ra chính. Dù vậy, đội ngũ giảng viên chủ yếu mang tính lý thuyết, tỷ lệ nhân sự có những hoạt động điện ảnh trong thực tiễn còn mỏng, giảng viên nước ngoài càng hiếm hoi.
Các hoạt động tiếp sức của ngành điện ảnh dành cho các nhà trường, như: Trại sáng tác, khóa học… chưa được tổ chức thường xuyên, hiệu quả…; và quan trọng hơn cả là đầu vào chưa đủ khắt khe, tinh tuyển… đã tác động đáng kể vào nguồn nhân lực trong tương lai. Ðiểm lại những bộ phim Việt đoạt giải quốc tế, không nhiều dấu ấn từ nguồn nhân lực này.
Các đạo diễn, diễn viên xuất thân từ “dân ngoại đạo” đoạt giải xứng đáng vinh danh, nhưng đây vốn không phải tín hiệu đáng mừng, bởi họ chịu sự chi phối từ các ngành nghề khác, có thể bỏ cuộc chơi điện ảnh bất cứ lúc nào.
Trong điện ảnh Việt, chưa tính tới các nhân lực khác, ngay ở khâu đầu tiên là biên kịch đã chưa được coi trọng như một nghề nghiệp. Rất ít sinh viên theo học chỉn chu công việc này. Trong khi đó, để đáp ứng số lượng lớn phim được sản xuất mỗi năm thì cần lực lượng biên kịch đông đảo. Tiến sĩ Ðặng Thiếu Ngân, chuyên gia văn hóa Hàn Quốc
|
Ở các quốc gia có nền điện ảnh phát triển, đây là nghề nghiệp đầy hứa hẹn, có cơ chế đãi ngộ tốt, vinh danh tương xứng. Thậm chí, họ có quyền chọn đạo diễn, diễn viên để thực hiện tác phẩm của mình. Trong khi đó, đội ngũ biên kịch trong nước còn thiếu và yếu. Tương tự, các nhân sự khác trong ngành gồm: Ðạo diễn, diễn viên, quay phim… nhìn chung vốn nghề, vốn sống chưa đủ sâu sắc, thiếu tầm nhìn, không đột phá… cho nên rất khó tạo nên điểm nhấn.
Ðạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Ðặng Nhật Minh chia sẻ: “Ðối với tôi, phim nào cũng phải có chuyện, và phải cảm động, hình thức thể hiện phải đơn giản, hết sức đơn giản, không cầu kỳ lắt léo để đi thẳng vào trái tim người xem. Ðặc biệt, tôi rất quan tâm tới chi tiết trong phim. Một đại văn hào, kiêm nhà viết kịch nổi tiếng của Nga từng nói: Nghệ thuật là cái “một chút” cộng với cái “một chút”. Cái “một chút” đó là những chi tiết của đời sống. Sự xúc động mà điện ảnh mang lại là từ trái tim người làm phim đến trái tim khán giả.
Tôi yêu nhân vật, yêu những con người trong phim, yêu cả khán giả xem phim của mình. Khi người ta thật sự yêu, thì mới biết trân trọng tình yêu được”. Theo đạo diễn Ðặng Nhật Minh, điều điện ảnh Việt cần đó là khi hội nhập quốc tế, người ta vẫn nhận ra đấy là con người, văn hóa, tâm hồn Việt Nam đích thực, không lai căng, không bắt chước.
Những năm qua, câu chuyện đầu tư ngân sách, thu hút nguồn đầu tư từ bên ngoài… liên tục được đặt ra với môi trường điện ảnh. Song, theo các chuyên gia, để ngành điện ảnh phát triển, những sự thay đổi cơ bản phải bắt đầu từ gốc rễ, trước hết là từ chiến lược đào tạo. Cần đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện để giúp cho nền điện ảnh Việt Nam có nguồn nhân lực phong phú, dồi dào.
Từ cơ sở ấy, mới có thể tìm kiếm, phát hiện, chọn lọc tài năng, góp phần đưa điện ảnh Việt Nam vươn ra thế giới, hội nhập quốc tế. Tại một hội thảo về công nghiệp văn hóa, các chuyên gia đã cảnh báo: Trước khi bàn tới việc có lợi nhuận hay bước ra thế giới, mỗi nghệ sĩ phải ý thức được trách nhiệm, chăm chỉ làm việc và có khát vọng lớn.
Không ít nghệ sĩ ở ta đều chỉ đang mải mê với giải trí, chạy show quảng cáo…, việc rèn giũa nghề nghiệp là điều gì đó rất xa xỉ. Ðạo diễn Nguyễn Quang Dũng khẳng định: Nếu thiếu nguồn nhân lực thì ngay cả khi chúng ta có đầu tư, cố gắng vận hành theo tinh thần của công nghiệp điện ảnh, việc chinh phục sân chơi quốc tế vẫn là một giấc mơ giữa muôn trùng gian khó.
Ðể điện ảnh Việt Nam vươn tầm quốc tế là một chặng đường dài, đòi hỏi nhiều thay đổi từ nội tại. Trên chặng đường ấy, bước đầu đã ghi dấu những thành công, nhưng điều chưa làm được luôn đòi hỏi nỗ lực, đổi mới đồng bộ từ khâu đào tạo, sự trau dồi tài năng, tâm huyết của đội ngũ làm nghề đến trách nhiệm của các đơn vị quản lý, hỗ trợ, định hướng…