Quảng Ninh đang tiến gần đến kỳ tích 8 năm liên tiếp đạt mức tăng trưởng 2 con số. Để thực hiện mục tiêu này trong 3 tháng cuối năm nay, ngành dịch vụ – du lịch được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính, tạo đà bứt phá mạnh mẽ cho GRDP toàn tỉnh.
Từ cuối năm 2022, ngành Du lịch đã chủ động triển khai hàng loạt chương trình cũng như hoạt động kích cầu để thu hút du khách, “đi trước đón đầu” các dòng khách nội địa, khách truyền thống quốc tế và khai thác các thị trường mới. Đồng thời, khai thác tối đa lợi thế mới từ hệ thống giao thông chiến lược đã đi vào hoạt động, phấn đấu năm 2023 thu hút 15 triệu lượt khách du lịch.
Ngành Du lịch đã đẩy mạnh thu hút du lịch tâm linh, văn hóa ngay từ những tháng đầu năm. Đồng thời, thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Uông Bí, Móng Cái, Cô Tô…, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại Vân Đồn, Cô Tô, sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm, trên bờ, dưới Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao, lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh; chủ động khai thác mọi cơ hội để phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế…
Mọi cơ hội khôi phục ngành công nghiệp không khói được chính quyền và các doanh nghiệp nắm bắt trong tâm thế chủ động sẵn sàng. Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, dịch vụ, cải thiện môi trường du lịch văn minh, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, làm mới các sản phẩm sẵn có. Du khách đến Quảng Ninh có những trải nghiệm khác biệt, mới mẻ với du thuyền nhà hàng, nghe nhạc trên Di sản – kỳ quan Vịnh Hạ Long, trải nghiệm thu đông ở Bình Liêu, Yên Tử. Ngay trong quý I/2023, tỉnh Quảng Ninh đã đón 4,85 triệu lượt khách và tiếp tục “bùng nổ” trở thành điểm đến hấp dẫn với hàng loạt các sự kiện hè, thu hút 8,86 triệu lượt khách trong 6 tháng đầu năm.
Đối với lĩnh vực dịch vụ, tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng, triển khai Đề án thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025; tổ chức thành công Hội nghị phát triển dịch vụ logistics; Hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh năm 2023 ngay sau Hội nghị toàn quốc về du lịch ngày 15/3/2023. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung phát triển kinh tế biển, dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức, dịch vụ tài chính – ngân hàng, thương mại điện tử, thương mại biên giới, xuất nhập khẩu.
Nhờ vậy, 9 tháng năm 2023, khu vực dịch vụ – du lịch của tỉnh ước tăng 12,76%, giữ đà tăng trưởng chính trong phát triển kinh tế của tỉnh. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt gần 13 triệu lượt, tăng 41,7% cùng kỳ năm 2022; tổng doanh thu du lịch đạt 26.460 tỷ đồng, tăng 34,8% cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 14,15% so với cùng kỳ năm 2022.
Quý IV/2023, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 14,5%, cả năm 2023 đạt trên 11%; tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh quý IV đạt 13.165 tỷ đồng, cả năm 2023 đạt 54.000 tỷ đồng. Để tiếp tục tạo đà tăng trưởng chính trong phát triển kinh tế cuối năm, ngành dịch vụ – du lịch đang nỗ lực thực hiện các giải pháp đảm bảo tăng trưởng quý IV tăng 15,62%, cả năm tăng 13,93%.
Đối với lĩnh vực Dịch vụ, Sở Công Thương tiếp tục tham mưu đẩy mạnh phát triển thương mại theo hướng hiện đại, thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại tại Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn… để thu hút khách du lịch, phát triển thương mại, dịch vụ. Đồng thời, triển khai đồng bộ các cuộc vận động “Đưa hàng về nông thôn phục vụ nhân dân”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thực hiện các tháng khuyến mại tập trung. Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp bình ổn thị trường, yêu cầu các doanh nghiệp tăng lượng dự trữ hàng hóa đảm bảo phục vụ nhu cầu nhân dân dịp Tết Nguyên đán. Sở cũng chủ động triển khai các biện pháp cấp bách nhằm giảm ùn ứ và thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á, châu Âu…; khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của các KKT cửa khẩu và các khu vực phụ cận; phát triển dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức, dịch vụ tài chính – ngân hàng; thúc đẩy phát triển thương mại biên giới, xuất nhập khẩu, nhất là vào dịp cuối năm; kích cầu tiêu dùng nội địa góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của nền kinh tế.
Cùng với đó, hiện Sở Du lịch chủ động khai thác mạnh mẽ lợi thế thu hút khách quốc tế cuối năm, đồng thời kích cầu du lịch thị trường nội địa. Đặc biệt, coi phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại giữ vai trò chủ đạo; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển. Sở triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ; không ngừng đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá điểm đến, chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt, nâng cao chất lượng dịch vụ. Cùng với đó, nâng chất các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng, lợi thế thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đậm bản sắc dân tộc, kết nối các không gian du lịch, tạo thành trải nghiệm riêng có, phù hợp với thị hiếu của du khách trong nước, quốc tế. Về lâu dài, Sở tiếp tục triển khai Đề án thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025; phát triển các sân golf phục vụ thể thao và du lịch theo quy hoạch đảm bảo khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất nguồn lực đất đai.