Sách Địa chí Cô Tô vừa ra mắt công chúng và hiện đang được trưng bày triển lãm tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện Cô Tô.
Tiến sĩ Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn, thành viên nhóm biên soạn cho rằng việc xuất bản cuốn Địa chí Cô Tô có ý nghĩa rất lớn về cả lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị. Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của cuốn Địa chí, trong gần một năm thực hiện, nhóm biên soạn đã khẩn trương, nỗ lực và quyết tâm khảo cứu tư liệu, phỏng vấn nhân chứng, tham vấn chuyên gia. Nhóm soạn thảo đã nhận được các góp ý khách quan, tâm huyết để sớm hoàn thiện tốt nhất ấn phẩm, đáp ứng sự mong mỏi của lãnh đạo và nhân dân huyện Cô Tô.
Sách “Địa chí Cô Tô” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật ấn hành năm 2024 được đánh giá là một công trình khoa học, một cuốn bách khoa toàn thư với gần 1.000 trang sách, phản ánh rõ nét vị trí địa lý, tự nhiên, xã hội, lịch sử, quá trình hình thành và phát triển của huyện đảo Cô Tô.
Cuốn sách được thực hiện bằng các phương pháp thu thập tài liệu, phương pháp liên ngành, điền dã dân tộc học, phương pháp phỏng vấn chuyên gia… Sách “Địa chí huyện Cô Tô” được cấu trúc thành 5 phần và 25 chương cho thấy toàn bộ quá trình hình thành và phát triển tất cả các lĩnh vực, đồng thời nêu bật được những thế mạnh, tiềm năng, đặc trưng cũng như những thuận lợi, khó khăn của huyện đảo Cô Tô. Phần thứ nhất là “Địa lý” bao gồm 3 chương: Địa lý tự nhiên, hành chính, dân cư và dân tộc. Phần này đã nêu rõ các đặc điểm về tự nhiên, các tài nguyên sinh vật, trong đó chỉ rõ được các tài nguyên đặc thù, có tiềm năng của huyện Cô Tô, quá trình hình thành và phát triển của các đơn vị hành chính, đặc điểm về dân cư và dân tộc trên địa bàn huyện Cô Tô.
Phần thứ hai là “Lịch sử” đã đề cập đến sự hình thành và phát triển của huyện Cô Tô qua các giai đoạn lịch sử, tìm hiểu và khai thác tối đa thông tin về các giai đoạn từ thời tiền sử thông qua các di chỉ khảo cổ cho đến ngày nay. Phần thứ ba là “Hệ thống chính trị” đã mô tả lịch sử hình thành, cơ cấu và chức năng, hoạt động của hệ thống chính trị như: Đảng bộ huyện, bộ máy chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội huyện.
Trước đó, nhóm biên soạn đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện và nhân dân. Phần thứ tư là “Kinh tế” nêu rõ đặc điểm kinh tế và sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế của huyện qua các thời kỳ đã chỉ ra được các đặc điểm, tiềm năng và những nét đặc trưng của ngành kinh tế huyện Cô Tô từ khi thành lập huyện đến nay.
Phần thứ 5 là “Văn hóa – xã hội” mô tả về lịch sử, đặc điểm của các di tích, danh thắng và nêu rõ đặc điểm văn hóa ẩm thực, trang phục, cư trú và sản xuất, văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán và tôn giáo của người dân địa phương. Bên cạnh đó, phần này còn cho thấy những thiết chế văn hóa, văn học nghệ thuật, thể dục thể thao, y tế, giáo dục, thể hiện đời sống tinh thần của người dân huyện đảo Cô Tô qua các thời kỳ lịch sử. Từ đó, đã chỉ ra những nét văn hóa đặc trưng của địa phương có thể tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
Cuốn sách được coi là “hồn cốt” của Cô Tô, có giá trị khoa học, thực tiễn và giáo dục sâu sắc, phản ánh ý nghĩa nhân văn “Lấy xưa phục vụ nay, lấy truyền thống làm đòn bẩy cho tương lai”. Đồng thời trở thành “Cột mốc biên giới mềm” góp phần khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Việt Nam trên Biển Đông. Cuốn Địa chí huyện Cô Tô sẽ là giáo trình tham khảo đối với học sinh, sinh viên, là cẩm nang từ điển du lịch, để truyền tải thông tin xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển của Cô Tô cho nhân dân, du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, góp phần khẳng định vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Cô Tô gắn với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là công trình khoa học cung cấp cho độc giả, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, hoạch định chính sách và nhân dân những tri thức vừa có tính tổng quát vừa có tính chuyên sâu về địa lý, tự nhiên, lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội, dân cư, dân tộc, hệ thống chính trị, an ninh – quốc phòng của các địa phương.