Theo nhà nhiếp ảnh người Đức Reisen, Vịnh Hạ Long là cách mà thiên nhiên đánh đố con người về kiến tạo địa chất. Rồi đây, nơi này lại đánh đố con người làm thế nào để giữ gìn nó khỏi bị hủy hoại theo thời gian… Tháng 9/2023 Vịnh Hạ Long lần thứ 3 được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Khác với 2 lần trước đó, lần công nhận này UNESSCO điều chỉnh theo hướng mở rộng ranh giới sang quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng), trở thành di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam. Danh hiệu mới này cần có sự chung tay của cả hai địa phương để tạo thêm sức hút, mở ra nhiều cơ hội mới trong phát triển du lịch.
Kết nối 2 miền Di sản
Trước khi được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà đều rất nổi tiếng với những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Trong đó Vịnh Hạ Long được thế giới biết nhiều khi có tới 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới vào các năm 1994, 2000.
Với diện tích 1.553km2, có 1.969 hòn đảo, trong đó 90% là đảo đá vôi, độ cao từ 50-200m, được hình thành cách đây hơn 500 triệu năm qua quá trình vận động kiến tạo địa chất phức tạp cùng với quá trình phong hóa đá vôi (karst) diễn ra mạnh mẽ lâu dài, tạo nên những đảo đá có hình thù độc nhất vô nhị. Đặc biệt trong vùng lõi của Vịnh Hạ Longg quần tụ dày đặc khoảng hơn 770 hòn đảo lớn nhỏ.
Sở hữu vẻ đẹp kỳ vĩ, thời gian qua Di sản Vịnh Hạ Long luôn là điểm đến hàng đầu của du khách trong nước và quốc tế, góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế và quảng bá hình ảnh của Việt Nam. Năm 2019, thời điểm trước đại dịch Covid-19, du lịch Quảng Ninh đón 5,7 triệu lượt khách quốc tế, thì Vịnh Hạ Long đón gần 4,4 triệu lượt khách, đóng góp cho ngân sách tỉnh gần 1.100 tỷ đồng. Năm 2023, khách quốc tế đến Quảng Ninh đạt 2,15 triệu lượt khách, trong đó Vịnh Hạ Long đón gần 1,4 triệu lượt khách. Nhìn vào con số trên cho thấy Vịnh Hạ Long là điểm dừng chân không thể thiếu của khách du lịch quốc tế khi đến Quảng Ninh.
Quần đảo Cát Bà (đảo lớn thứ 3 ở Việt Nam) được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới từ năm 2004. Khu có 358 đảo đá vôi lớn nhỏ quần tụ với mật độ dày đặc, chia cắt mặt nước biển thành các áng, vịnh nhỏ và nhiều bãi cát tạo cảnh quan hoang sơ kì thú.
Năm 2013 Việt Nam xây dựng hồ sơ đề cử quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên, được sự khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới, Việt Nam đã nghiên cứu hoàn thiện lại hồ sơ trên cơ sở gộp quần đảo Cát Bà với Vịnh Hạ Long để hình thành một quần thể di sản mới có quy mô lớn hơn, đa dạng và độc đáo hơn.
Tháng 9/2023, Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà được UNESCO ghi danh là Di sản thế giới, bởi nơi đây chứa đựng các khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên bao gồm các đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ và các đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với các đặc điểm karst liên quan, như các mái vòm và hang động.
Với sự giao thoa của núi rừng và biển đảo, Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là một khu vực tiêu biểu, có mức độ đa dạng cao của châu Á khi sở hữu 7 hệ sinh thái biển – đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển bao gồm: Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh; hệ sinh thái hang động; hệ sinh thái rừng ngập mặn; hệ sinh thái bãi triều; hệ sinh thái rạn san hô; hệ sinh thái đáy mềm; hệ sinh thái hồ nước mặn. Các hệ sinh thái này đại diện cho quá trình sinh thái và sinh học vẫn đang tiến hóa và phát triển, thể hiện qua sự đa dạng của các quần xã động, thực vật.
Sở hữu khu rừng trên biển lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 17.000 ha cùng các hệ sinh thái đa dạng, Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà còn là điểm cư ngụ của 4.910 loài động, thực vật trên cạn và dưới biển, trong số này có tới 198 loài thuộc Danh mục Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), 51 loài đặc hữu. Diện tích rừng nguyên sinh vào khoảng 1.045,2ha trên đảo Cát Bà là một trong những nhân tố quan trọng làm nên giá trị sinh thái và đa dạng sinh học của khu vực đề cử. Đặc biệt, voọc Cát Bà là loài quý hiếm, nằm trong danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất và được ghi vào Sách Đỏ thế giới. Đến nay còn khoảng 60-70 cá thể phân bố duy nhất ở Cát Bà, không còn nơi nào khác trên thế giới.
Việc công nhận Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên thế giới không chỉ tạo một di sản thế giới liên vùng độc đáo đầu tiên ở Việt Nam, mà còn làm tăng thêm giá trị của vùng di sản rộng lớn, kỳ vĩ và tuyệt mĩ này. Ông Phạm Thanh Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Hạ Long Pacific, khẳng định: Thực tế hiện nay Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà luôn là một trong những điểm du lịch hút khách trong nước và quốc tế nhất Việt Nam. Việc Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà được ghi danh chắc chắn sẽ tăng vị thế, sức hút cho 2 điểm du lịch này.
Cơ hội đan xen thách thức
Theo nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, việc UNESCO phê duyệt mở rộng ranh giới, công nhận Di sản Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là dấu mốc rất quan trọng, mở ra những cơ hội mới, nhưng cũng không ít thách thức cho cả Quảng Ninh và Hải Phòng – hai địa phương liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam trong quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, chia sẻ: Có thể thấy ngay một số thách thức cơ bản, như công tác quản lý liên tỉnh chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể; chưa có sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng (cảng, bến tàu du lịch); mức thu phí tham quan còn khác nhau; cơ quan quản lý di sản thuộc địa giới hành chính của 2 địa phương cũng khác nhau về mô hình.
Chung quan điểm này, ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết: Hiện pháp luật quản lý di sản tại Việt Nam chưa có quy định cụ thể về cơ chế quản lý, bảo vệ di sản thế giới liên tỉnh; chưa có quy định cụ thể về việc lập quy hoạch chung cho di sản liên tỉnh; chưa có quy định “nội luật hóa” và hướng dẫn quy trình thực hiện “đánh giá tác động di sản” đối với các đề xuất dự án… Do đó thời gian tới khi triển khai, áp dụng sẽ có nhiều khó khăn, vướng mắc nảy sinh.
Các chuyên gia khác cũng cho rằng, thực tế ở Việt Nam khi các di sản thiên nhiên chưa được công nhận thì ít bị xâm hại, nhưng khi đã được vinh danh thì xảy ra không ít xâm hại. Điều này cũng dễ hiểu bởi việc vinh danh di sản sẽ tạo nhiều cơ hội khai thác phát triển, khiến nhu cầu du lịch tăng cao, đồng nghĩa với các dịch vụ liên quan phải tăng theo để đáp ứng. Nếu công tác quản lý thiếu chủ động, yếu kém hoặc phát sinh tiêu cực sẽ mở đường cho di sản bị xâm hại. Nhất là khi Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà có ranh giới tiếp giáp với nhiều địa phương, cũng là nơi diễn ra các hoạt động kinh tế – xã hội đan xen phức tạp.
Liên quan đến vấn đề này, theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tất cả quy hoạch liên quan đến vùng di sản muốn phát triển bền vững phải đảm bảo tôn trọng thiên nhiên, với Hải Phòng và Quảng Ninh điều này cũng không ngoại lệ. Chúng ta phải ứng xử rất nhẹ nhàng, tinh tế, khoa học, không thể làm ồ ạt, phải làm từng bước trên nền tảng khoa học mới mong có sự phát triển bền vững.
Nhằm giúp bảo vệ lâu dài, quản lý bền vững và toàn vẹn Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà, ngày 11/1/2024 UBND TP Hải Phòng và UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức cuộc họp triển khai quyết định của Ủy ban Di sản thế giới tại kỳ họp lần thứ 45 với nội dung hiện trạng bảo tồn Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà. Sau khi thảo luận, đại diện lãnh đạo 2 địa phương thống nhất trong thời gian tới thành lập Tổ công tác liên tỉnh, thành phố để triển khai các công việc liên quan đến Di sản. Đồng thời thống nhất tham mưu, đề xuất Bộ VH,TT&DL giao các đơn vị chủ trì về các nhiệm vụ xây dựng kế hoạch quản lý Di sản, ban hành Quy chế bảo vệ và Quy hoạch bảo tồn Di sản.
Song song với đó, các bên chủ động triển khai những nhiệm vụ cụ thể. TP Hải Phòng sẽ dành ưu tiên để tăng cường các cơ chế, bảo vệ Di sản, các chương trình nghiên cứu khoa học làm rõ giá trị di sản, tu sửa Vườn quốc gia Cát Bà; rà soát số lượng, chất lượng tàu du lịch khai thác trên Vịnh Lan Hạ; hoàn thiện, chỉnh sửa, cập nhật bản đồ quản lý Di sản. Tỉnh Quảng Ninh sẽ cung cấp cho các đơn vị liên quan của TP Hải Phòng kết quả đánh giá sức tải Di sản Vịnh Hạ Long. Hai địa phương cũng độc lập triển khai phê duyệt dự án phát triển kinh tế – xã hội trong khu Di sản và vùng đệm, đánh giá tác động Di sản đối với các dự án phát triển ở vùng đệm và khu vực liền kề vùng đệm, triển khai các chính sách hỗ trợ cộng đồng tái định cư…
Tin tưởng, những nỗ lực và bước đi của 2 địa phương sẽ mang lại những hiệu quả thực chất, tạo “luồng gió mới” lan tỏa giá trị, đưa quần thể Di sản Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà không chỉ đơn thuần là danh hiệu được vinh danh, mà phải là thương hiệu mỗi khi nhắc đến Việt Nam.