Mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… đang là những trụ cột chiến lược để ngành dệt may xoay xở trước bão thuế đối ứng 46% của Mỹ.
Chia sẻ bên lề Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may, thiết bị, nguyên phụ liệu, vải (SaigonTex – SaigonFabric) 2025, ông Vũ Đức Giang – chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) – cho biết thị trường Mỹ hiện chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam.
Thông tin Mỹ áp thuế đối ứng lên tới 46% với hàng hóa Việt khiến nhiều doanh nghiệp không khỏi bất ngờ. Để ứng phó, ông Giang khuyến cáo doanh nghiệp cần tập trung vào định hướng chiến lược lâu dài gồm: đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khách hàng và chủng loại sản phẩm nhằm giảm phụ thuộc vào Mỹ.
Cũng theo ông Giang, yêu cầu chuyển đổi xanh và chuyển đổi số cũng đang đặt áp lực ngày càng lớn lên toàn ngành.
Để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như yêu cầu từ các thương hiệu toàn cầu, doanh nghiệp buộc phải đầu tư mạnh vào công nghệ sản xuất thân thiện môi trường, thiết bị hiện đại và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Triển lãm SaigonTex – SaigonFabric 2025 vì vậy không chỉ là sự kiện trưng bày sản phẩm, mà còn là diễn đàn chiến lược để doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp mới, định hình tương lai ngành. Sự kiện quy tụ hơn 1.100 nhà triển lãm đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, trưng bày các thiết bị, nguyên phụ liệu và công nghệ tiên tiến, hàng đầu.
Theo ban tổ chức, điểm nổi bật tại triển lãm năm nay là sự góp mặt của các giải pháp tự động hóa, số hóa và công nghệ tiết kiệm năng lượng. Các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sẽ giới thiệu tới khách tham quan các loại máy móc dệt và may mặc, công nghệ nhuộm và hóa chất, vải và phụ kiện may mặc mới nhất, hiện đại nhất.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Cao Hữu Hiếu – tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) – nhận định chuyển đổi kép (xanh hóa và số hóa) là xu thế không thể đảo ngược.
Theo ông, để duy trì đơn hàng và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, doanh nghiệp cần đầu tư vào hệ thống sản xuất tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguyên liệu tái chế, khai thác năng lượng tái tạo, đồng thời ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Liêm – giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM – cho rằng ngành dệt may vẫn đang đối mặt với hàng loạt thách thức: thiếu hụt lao động, đơn hàng không ổn định, quy định xuất xứ ngày càng khắt khe và tình trạng đứt gãy một số mắt xích trong chuỗi cung ứng.
Trong bối cảnh “bão thuế” ngày càng hình thành rõ nét từ chính sách cứng rắn của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, SaigonTex – SaigonFabric 2025 càng đóng vai trò như một điểm tựa chiến lược, giúp các doanh nghiệp cập nhật công nghệ, củng cố chuỗi cung ứng và thiết lập hướng phát triển phù hợp với bối cảnh toàn cầu nhiều biến động.
Theo ban tổ chức, ngoài hoạt động triển lãm, sự kiện còn có các chương trình kết nối giao thương và hội thảo chuyên đề cung cấp thông tin cập nhật, xu hướng mới dành cho khách tham quan. Triển lãm do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và các đối tác đồng tổ chức.