Đền Đô ở phường Đình Bảng, TP Từ Sơn, nơi thờ 8 vị vua nhà Lý, là dấu tích một triều đại phong kiến kéo dài hơn 200 trăm.
Bắc Ninh có hơn 1.200 di tích lịch sử, theo cổng thông tin điện tử tỉnh này. Trong đó, đền Đô ở phường Đình Bảng, TP Từ Sơn là nơi ghi dấu 214 năm trị vì của 8 vị vua nhà Lý.
Nhà Lý truyền ngôi 9 đời vua qua 216 năm (1009 – 1225). Đền Đô là nơi thờ tự 8 vị vua gồm: Lý Thái Tổ (1009 – 1028); Lý Thái Tông (1028 – 1054); Lý Thánh Tông (1054 – 1072); Lý Nhân Tông (1072 – 1128); Lý Thần Tông (1128 – 1138); Lý Anh Tông (1138 – 1175); Lý Cao Tông (1175 – 1210); Lý Huệ Tông (1210 – 1224). Vị vua cuối cùng là Lý Chiêu Hoàng (1224 – 1225) được người dân thờ ở đền Rồng, cũng nằm ở phường Đình Bảng.
Theo nội dung trên bia trùng tu đền Đô, Đình Bảng, quê hương phát tích nhà Lý, ban đầu có tên là Diên Uẩn. Từ giữa thế kỷ VIII đến đầu thế kỷ XIII đổi là hương Cổ Pháp thuộc châu Cổ Pháp, sau đó mới được đặt là Đình Bảng. “Đất Cổ Pháp – Đình Bảng là nơi thắng địa bậc nhất Kinh Bắc, đất gối đầu của 8 con rồng, vượng khí tốt, là nơi sinh ra vua Lý Công Uẩn ngày 12/2 năm Giáp Tuất (947)” (trích nội dung trên bia đá). Lý Công Uẩn, niên hiệu Lý Thái Tổ, là vị vua đầu tiên của nhà Lý.
Ông Nguyễn Tiến Chiến, trưởng ban quản lý Khu di tích, cho biết đền Đô được xây dựng trên đất quê Lý Công Uẩn. Năm 1019, khi Lý Thái Tổ lên ngôi được 10 năm, ông về quê lập một thái miếu để thờ tổ nội mình ở đây. Lúc đó, vua đã chọn một khu đất để làm nơi chôn cất sau khi băng hà, cách cửa đền Đô hiện tại khoảng một km, đặt tên là Cấm Địa Sơn Lăng. Năm 1028 Lý Thái Tổ băng hà, được an táng tại quê nhà theo di nguyện. Sau này, các vị vua nhà Lý đều được đưa về chôn cất tại đây.
Năm 1030, vua Lý Thái Tông cho xây dựng đền Đô làm nơi thờ vua cha. Từ đó, đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý, theo nội dung cuốn “Di tích lịch sử văn hóa đền Đô” do tác giả Nguyễn Đức Thìn biên soạn.
Ông Chiến nói ban đầu, đền có tên là Cổ Pháp Điện. Đến năm 1605, vua Lê Kính Tông cho mở rộng và đổi tên thành đền Lý Bát Đế. Năm 1952, đền bị thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn. Đến năm 1989, chính quyền đã phục dựng đền theo nguyên mẫu và gọi là đền Đô. Đền Đô được công nhận di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2014.
Đền Đô có diện tích 31.250 m2 với 21 hạng mục công trình, chia thành hai khu vực ngoại thành và nội thành. Ngoại thành gồm: hồ bán nguyệt, nhà thủy đình, nhà văn chỉ và nhà võ chỉ.
Theo hướng lối vào đền, công trình đầu tiên nằm phía bên trái lối vào là nhà văn chỉ (ảnh). Nhà văn chỉ nằm bên trái khu nội thành, xây dựng theo kiến trúc ba gian chồng diêm, thờ Tô Hiến Thành (thời vua Lý Anh Tông và Lý Cao Tông) và Lý Đạo Thành (thời vua Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông) cùng một số quan văn đã có công lớn giúp nhà Lý. Nhà văn chỉ được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng lại vào năm 2003 để tưởng nhớ công ơn của các vị quan văn thời Lý.
Đi qua nhà văn chỉ, trước khi đến cổng chính khu nội thành, du khách sẽ thấy “Thiên đô chiếu”. Đây là bức cuốn thư cao 3,5 m, rộng hơn 8 m, được làm bằng gốm Bát Tràng, chép lại “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ.
Cuốn thư gồm 214 chữ Hán nổi màu xanh trên nền trắng, tương ứng với 214 năm trị vì của 8 vị vua (chưa tính tựa đề Chiếu dời đô và tên tác giả Lý Công Uẩn), được hoàn thành nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đây được coi là bức cuốn thư bằng gốm Bát Tràng lớn nhất Việt Nam.
Khu nội thành rộng hơn 4000 m2 được chia thành nội thất và ngoại thất. Ngoại thất gồm: ngũ long môn, sân rồng, giếng Ngọc (giếng cổ được phát hiện khi khởi công xây dựng lại đền), nhà chủ tế, nhà khách, phòng truyền thống và đền Vua Bà.
Cổng chính dẫn vào khu nội thành, cũng được gọi là ngũ long môn, được xây dựng bằng gỗ quý, lợp ngói mũi hài với những bức tượng đá chạm khắc hình rồng dài khoảng hai mét trên bậc thang. Hai bức tượng rồng chính giữa được điêu khắc công phu với hình ảnh viên ngọc ngậm trong miệng.
Ngũ long môn có ba cửa. Cửa chính được gọi là đại quan, chạm khắc hình rồng bay thể hiện khát vọng tự do, hòa bình. Ông Chiến cho biết trước đây cửa đại quan chỉ mở khi đón vua về thăm. Hai cửa bên phải, trái dành cho quan văn, quan võ. Người dân và quân lính sẽ đi bằng hai cửa tò vò (cửa ngách) nằm bênh cạnh.
Hiện nay ban quản lý đã mở hai cửa bên trái, phải để phục vụ du khách đến tham quan. Cửa đại quan sẽ mở vào những ngày giỗ vua, lễ hội hoặc khi đón các vị nguyên thủ quốc gia.
Bước qua cổng ngũ long là sân rồng và khu vực nội thất của đền. Sân rồng được thiết kế 8 ô đá theo chiều ngang, trên mỗi viên gạch vuông có họa tiết tròn tượng trưng cho đất và trời.
Nội thất đền Đô gồm: nhà phương đình (ảnh), nhà chuyển bồng, nhà tiền tế, linh cung xếp theo thứ tự từ cổng ngũ long môn hướng vào. Ông Chiến nói nhà phương đình là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến tưởng niệm 8 vị vua vào ngày 13/9/1945.
Qua nhà phương đình là nhà tiền tế, nơi tế lễ các vị vua vào những ngày giỗ hoặc dịp lễ hội. Phía bên phải nhà tiền tế trưng bày bài thơ Nam quốc sơn hà, được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta do tướng quân Lý Thường Kiệt viết. Bên trái trưng bày bản Chiếu dời đô thu nhỏ.
Qua nhà tiền tế là nhà chuyển bồng, nơi đặt ban Công Đồng (tương tự như ban Tam Bảo ở chùa). Đây là nơi người dân, du khách đến dâng hương, lễ bái.
Qua nhà chuyển bồng là linh cung thờ 8 vị vua nằm ở vị trí sâu nhất. Linh cung rộng hơn 200 m2, được xây 7 gian theo kiến trúc số lẻ của đền, chùa xưa. Mỗi gian đặt một ngai thờ, bài vị và tượng một vị vua. Gian chính giữa đặt tượng vua Lý Thái Tổ và con trai trưởng, vua Lý Thái Tông, tượng trưng cho sự cha truyền con nối.
Bên phải khu nội thất là đền Vua Bà, nơi thờ tự các hoàng thái hậu triều Lý. Phía bên trái là nhà khách. Trong các lễ hội lớn, nam nữ thanh niên địa phương sẽ rước kiệu vua và các ông ngựa được đóng yên cương dát vàng từ chùa Cổ Pháp về đền Đô.
Tại đền Vua Bà còn lưu giữ bia đá “Cổ Pháp Điện Tạo Bi” (ảnh) do học giả Phùng Khắc Khoan soạn dựng năm 1605, ghi lại sự kiện vua Lê Kính Tông xây dựng lại đền và khắc ghi công đức của các vị vua triều Lý.
Tấm bia cao 1,9 m, rộng 1,3 m và có độ dày 17 cm. Theo ông Chiến, bia được chạm khắc tinh xảo, trán bia có hình lưỡng long chầu nguyệt, mặt trăng chạm nổi, có các tia hào quang tỏa chiếu xung quanh. Lòng bia khắc 35 dòng chữ Hán xen kẽ một số chữ Nôm, tổng cộng khoảng 1.500 chữ. Tuy nhiên qua thời gian và do chiến tranh tàn phá, tấm bia đã bị hư hại, những họa tiết và chữ khắc trên bia đã không còn rõ nét.
Sau này, nội dung văn bia được tìm thấy tại Bảo tàng Viện Viễn đông Bác cổ do người Pháp xây dựng. Ban Quản lý đền đã dựng thêm một bia trùng tu đền Đô bằng chữ quốc ngữ, phiên dịch lại nội dung hoàn chỉnh của bia đá cổ.
Phòng truyền thống là nơi lưu giữ các cổ vật cũng như những tư liệu quý về đền Đô và các vị vua triều Lý, trong đó có hình ảnh về những chuyến viếng thăm của hậu duệ nhà Lý ở trong và ngoài nước.
Trong tủ trưng bày hiện lưu giữ bộ đồ thờ cổ của đền Đô xưa gồm đỉnh và đôi hạc đứng trên hai con rùa bằng đồng có chữ “Cổ Pháp Điện” (ảnh). Ông Chiến nói di vật được tìm thấy vào lúc 11h ngày 25/11/1994 dưới đáy giếng Ngọc, khi ông Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ ở Hàn Quốc trở về thăm đền Đô lần thứ hai cùng đoàn đại biểu Hội Hữu nghị văn hóa Hàn – Việt.
Qua khu vực nội điện là nhà võ chỉ với kiến trúc tương tự nhà văn chỉ. Đây là nơi thờ tự các vị quan võ, tướng quân nhà Lý như Lý Thường Kiệt (thời vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông), Lê Phụng Hiểu (thời vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông), Đào Cam Mộc (thời vua Lý Thái Tổ).
Sau khi Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng nhà văn chỉ, năm 2005, Bộ Văn hóa và Bộ Tài chính đã đầu tư xây dựng nhà võ chỉ để tưởng nhớ công ơn các vị quan võ nhà Lý.
Đối diện khu nội điện của đền Đô là nhà thủy đình nằm trên hồ bán nguyệt, nối với quảng trường ngũ long môn bằng cầu đá. Nhà thủy đình rộng 5 gian, có kiến trúc chồng diêm, 8 mái đều được uốn đao cong, chạm khắc hoa văn tinh xảo. Trước đây khi các vị vua về thăm quê thường ngự ở đây nghe hát quan họ và xem rối nước. Nơi đây từng được Ngân hàng Đông Dương xưa chọn là hình ảnh in trên tiền “năm đồng vàng”. Năm 2003, hình ảnh nhà thủy đình được chọn in trên đồng tiền xu mệnh giá 1.000 đồng.
Bia đá “Cổ Pháp Điện Tạo Bi” ghi lại những công lao của nhà Lý trong công cuộc xây dựng nền độc lập tự chủ của dân tộc sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc, tiêu biểu gồm: dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (năm 1010) để xây dựng nên một trung tâm văn hóa chính trị kinh tế của nước nhà; ban bố Hình thư (năm 1042) là bộ luật pháp thành văn đầu tiên của nhà nước phong kiến; đặt tên nước là Đại Việt (năm 1054) thể hiện sự ngang hàng với Đại Đường, Đại Tống ở phương Bắc; mở thương cảng Vân Đồn (năm 1149) để buôn bán với nước ngoài, mở mang văn hóa; xây dựng Văn Miếu Quốc Tử Giám (năm 1070) để đào tạo nhân tài cho đất nước.
Hằng năm, vào những ngày 14,15 và 16/3 âm lịch (kỷ niệm ngày Thái tổ Lý Công Uẩn đăng quang), người dân trên khắp cả nước lại về Đình Bảng tham gia lễ hội đền Đô để dâng hương, tưởng nhớ công ơn của các vị vua nhà Lý.