Bộ Tài chính cho biết, số dư Quỹ Bình ổn xăng dầu đến hết quý II năm nay hơn 7.400 tỷ đồng và đề xuất ngân hàng tham gia kiểm soát Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhằm đảm bảo việc doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trích lập tiền vào quỹ đúng quy định.
Trong số 7.400 tỷ đồng quý II, số tiền trích vào Quỹ Bình ổn xăng dầu ở mức 1.779 tỷ đồng, số tiền trích quỹ 5,91 tỷ đồng.
Dù doanh nghiệp, chuyên gia đề xuất bỏ nhưng Bộ Tài chính giữ quan điểm duy trì Quỹ Bình ổn xăng dầu để tạo bước đệm bình ổn giá. Bộ Tài chính đề xuất, để duy trì quỹ, cần bổ sung thêm giải pháp đồng bộ liên quan đến vai trò, trách nhiệm của ngân hàng với tài khoản doanh nghiệp xăng dầu nhằm tránh bị chiếm dụng quỹ như xảy ra với Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil vừa qua.
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định, mỗi doanh nghiệp (DN) đầu mối mở một tài khoản riêng để theo dõi số tiền chi, trích Quỹ Bình ổn theo thông báo của Bộ Công Thương trong từng kỳ điều hành giá xăng dầu.
“Định kỳ, DN đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo, kèm theo sao kê ngân hàng, về số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu gửi đồng thời tới Bộ Tài chính và Bộ Công Thương. Theo quy định, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì điều hành quỹ, quyết định việc trích lập, sử dụng quỹ. Khi DN chây ì, không nộp tiền vào Quỹ Bình ổn xăng dầu, cơ quan chức năng chỉ xử phạt theo quy định và chuyển hồ sơ, báo cáo cơ quan công an” – đại diện Cục Quản lý Giá cho biết.
Trong quá trình sửa Nghị định 95, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Công Thương góp ý, đề nghị thống nhất quản lý một đầu mối về vận hành và có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Bộ Tài chính đề xuất, nếu duy trì Quỹ Bình ổn xăng dầu, Nghị định mới bổ sung giải pháp đồng bộ. Tiêu biểu như, đề xuất quy định rõ vai trò, trách nhiệm của ngân hàng với tài khoản DN xăng dầu mở tại đây, đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động bán hàng xăng dầu.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc có nên tồn tại Quỹ Bình ổn xăng dầu hay không là việc được bàn luận rất nhiều lần. Hiện Nhà nước có 2 phương thức quản lý giá, gồm trực tiếp và gián tiếp. Theo đó, phương thức quản lý giá trực tiếp, nhà nước sẽ quy định giá trần, giá sàn. Với phương thức gián tiếp, nhà nước không quy định cụ thể nhưng khi có biến động, nhà nước sử dụng công cụ tài chính can thiệp như giảm thuế, phí, cho vay vốn lãi suất thấp để tăng nguồn cung. Mặt hàng xăng dầu đang được nhà nước quản lý dưới phương thức quản lý gián tiếp.
“Xăng dầu là một trong các mặt hàng năng lượng tác động nhiều mặt hàng khác trong nền kinh tế, tác động tới lạm phát. Việc giữ Quỹ Bình ổn xăng dầu chỉ có lợi cho nhà nước bởi góp phần tạo thuận lợi trong kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, quỹ này không có lợi với người dân, DN. Khi DN bị âm vẫn phải trích nộp tiền vào Quỹ Bình ổn xăng dầu. Người tiêu dùng cũng không nhận được lợi ích từ Quỹ Bình ổn xăng dầu bởi số tiền trích quỹ mỗi khi giá xăng dầu tăng là do người dân đã trích từ lần điều chỉnh giá trước đó” – ông Long phân tích.
Theo ông Long, việc duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chỉ có lợi cho nhà nước nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiều cơ quan chức năng kiến nghị bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu nhưng khi nhà nước còn quản lý giá thì phải còn quỹ. Bối cảnh hiện nay, việc duy trì Quỹ Bình ổn xăng dầu cần thiết để phòng ngừa rủi ro, dù trên thế giới chỉ duy nhất Việt Nam có quỹ này.
Góp ý liên quan đến việc đề xuất giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu mới đây, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho rằng, đã đến lúc phải bỏ do quỹ chưa thực hiện được vai trò cả ở lý thuyết và thực tiễn.
Theo PGS. TS Phạm Thế Anh, các nước trên thế giới xây dựng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như kho dự trữ để can thiệp vào những tình huống cần thiết. Quỹ được hình thành dựa trên đóng góp của ngân sách nhà nước, doanh thu trích từ việc sản xuất dầu thô hoặc đều đặn trích lập số tiền rất nhỏ trong giá xăng dầu ở mỗi kỳ điều chỉnh…
Qua khảo sát trong giai đoạn 2020-2022, PGS. TS Phạm Thế Anh nhận thấy mức độ biến động (đo bằng lệch chuẩn) của giá xăng dầu sau khi sử dụng quỹ có xu hướng cao hơn.
Mặt khác có thời điểm, cơ quan điều hành vẫn trích lập vào Quỹ Bình ổn giá khi giá xăng dầu thế giới tăng. Tiêu biểu như năm 2022, giá xăng gần 30.000 đồng/lít nhưng người dân vẫn phải đóng vào quỹ khiến giá xăng tiếp tục tăng.
“Việc điều hành quỹ thời gian qua đã không đạt được mục tiêu bình ổn bởi sự biến động giá của xăng dầu sau khi sử dụng quỹ không có sự khác biệt lớn khi so sánh với trường hợp không sử dụng quỹ, thậm chí mức độ biến động của giá khi sử dụng quỹ còn lớn hơn. Do vậy, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang gây bất ổn” – ông Phạm Thế Anh nói.