Với việc sở hữu các giá trị nổi bật toàn cầu cùng nhiều danh hiệu trong nước và quốc tế, Vịnh Hạ Long được xác định là một trong những tiềm năng, lợi thế cạnh tranh riêng có của Quảng Ninh. Với sức thu hút khách lớn, Vịnh Hạ Long đã trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực, giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của tỉnh. Tuy nhiên, việc phát huy bền vững giá trị di sản vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức.
Bài toán bảo tồn và phát triển
Vịnh Hạ Long được xếp vào hàng nổi tiếng bậc nhất trong các di sản thế giới. Những năm gần đây, di sản này luôn có mặt trong các bảng xếp hạng, bình chọn về điểm du lịch hấp dẫn do nhiều tổ chức quốc tế, hãng truyền thông, trang web uy tín trên thế giới bình chọn.
Thống kê cho thấy, tổng khách du lịch đến tham quan Vịnh Hạ Long năm 2023 vừa qua đạt gần 2,7 triệu khách, trong đó chiếm hơn một nửa là khách nước ngoài, nguồn thu phí tham quan đạt trên 792 tỷ đồng. Những con số này đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch di sản sau những năm ảnh hưởng của đại dịch. Xa hơn, giai đoạn từ năm 2009 đến hết năm 2023 vừa qua, Vịnh Hạ Long đã thu hút trên 48 triệu lượt khách trong nước và quốc tế, thu phí tham quan đạt hơn 6.649 tỷ đồng.
Sự phát triển mạnh mẽ của du lịch di sản là điều đáng mừng, không chỉ đóng góp vào phát triển chung của địa phương mà còn tạo nguồn lực đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn các giá trị của Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, xét dưới góc độ phát triển bền vững, theo đánh giá của lãnh đạo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thì việc phát triển du lịch “nóng” với sự gia tăng nhanh chóng, ồ ạt của khách du lịch nếu không kiểm soát tốt sẽ dẫn tới việc quá tải cục bộ tại một số tuyến, điểm tham quan, tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực tới các giá trị và nguồn tài nguyên du lịch của di sản, đồng thời làm giảm chất lượng trải nghiệm của du khách. Thực tế trong những năm qua, các sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long vẫn chủ yếu dựa trên khai thác giá trị tự nhiên sẵn có, chưa khai thác hiệu quả giá trị văn hoá, thiếu sản phẩm du lịch sinh thái, văn hoá.
Không chỉ với du lịch, trong những năm qua, việc giải quyết tốt bài toán bảo tồn và phát triển bền vững của Vịnh Hạ Long luôn phải đối mặt với nhiều thách thức. Bởi lẽ, điều kiện tự nhiên của Vịnh Hạ Long có hàng nghìn đảo đá, địa bàn trải rộng, chế độ hải văn phức tạp. Trong khi đó, khu vực ven bờ vịnh tiếp giáp với nhiều địa phương có tốc độ phát triển đô thị mạnh mẽ. Trên vịnh lại là nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế – xã hội phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực như: Du lịch, nuôi trồng, khai thác thuỷ sản, giao thông cảng biển… tạo ra sức ép đa chiều đối với công tác quản lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn các giá trị của di sản.
Trong khi đó, một số thể chế, cơ chế chính sách liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản hiện còn thiếu hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể. Vào tháng 9/2023 vừa qua, di sản Vịnh Hạ Long đã được Ủy ban Di sản thế giới phê chuẩn điều chỉnh mở rộng ranh giới bao gồm cả quần đảo Cát Bà (Hải Phòng). Tuy nhiên, theo chia sẻ của lãnh đạo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thì hiện nay trong pháp luật quản lý di sản tại Việt Nam chưa có quy định cụ thể về cơ chế quản lý, bảo vệ di sản thế giới liên tỉnh, về việc lập Quy hoạch chung cho di sản liên tỉnh, chưa có quy định “nội luật hoá” và hướng dẫn quy trình thực hiện “Đánh giá tác động di sản” đối với các đề xuất dự án, do đó khi triển khai, áp dụng còn khó khăn, vướng mắc…
Đồng bộ các giải pháp
Theo Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 đã định hướng Hạ Long phát triển theo mô hình 5 vùng, trong đó vùng I – vùng Vịnh Hạ Long được xác định là vùng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thế giới theo quy định của Luật Di sản văn hóa, kết nối không gian phát triển gắn với vịnh Bái Tử Long, vịnh Lan Hạ, đảo Cát Bà. Vì vậy, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã xác định 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai trong thời gian tới để đảm bảo yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững di sản.
Theo đó, trước hết là nâng cao hiệu quả quản trị di sản thông qua việc hoàn thiện và triển khai Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai Quyết định số 45 COM 8B.3 của Ủy ban Di sản thế giới phê duyệt điều chỉnh lớn ranh giới Di sản thế giới Vịnh Hạ Long bao gồm cả Quần đảo Cát Bà (TP Hải Phòng) theo tiêu chí (vii) và (viii); thực hiện điều chỉnh ranh giới vùng đệm di sản Vịnh Hạ Long; triển khai hiệu quả kế hoạch quản lý di sản giai đoạn 2021-2025; xây dựng Kế hoạch phát triển bền vững du lịch Vịnh Hạ Long; xây dựng và triển khai hiệu quả các cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng trong quản lý di sản…
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trong bảo vệ môi trường, gìn giữ các giá trị của di sản, thì việc quản lý, bảo vệ bền vững tài nguyên, môi trường di sản cũng được chú trọng tăng cường. Việc phát triển du lịch theo hướng đảm bảo sự phát triển bền vững, trên cơ sở đánh giá kết quả sức tải Vịnh Hạ Long đã được thực hiện tổng thể ở cả ba lĩnh vực: Môi trường, xã hội và du lịch từ năm 2020.
Chú trọng phục dựng, phát huy giá trị văn hóa – lịch sử của Vịnh Hạ Long để tập trung phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng gắn với kinh tế đêm, du lịch thông minh, du lịch chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch; liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch kết nối vùng, miền và kết nối với các di sản thế giới trong nước và quốc tế.
Theo kế hoạch phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh năm nay, dự kiến sẽ có sản phẩm tàu du lịch tham quan, lưu trú kết nối Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long kề cận. Trên Vịnh Hạ Long, các sản phẩm trải nghiệm, hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước cũng mở rộng tại nhiều khu vực với nhiều loại hình, hứa hẹn sức hút lớn với du khách, như: Thuyền buồm, kayak, xuồng cao tốc, tắm biển và tổ chức các dịch vụ bãi biển trên các bãi cát tự nhiên của di sản, tham quan các di chỉ khảo cổ, trải nghiệm văn hoá, cuộc sống của ngư dân, nuôi cấy, chế tác ngọc trai, câu cá, đánh cá với ngư dân, chèo thuyền rồng, du thuyền kết hợp tổ chức đám cưới…
Bên cạnh đó, hoà với xu hướng chung, đơn vị cũng sẽ đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đảm bảo tính tiện ích, hấp dẫn du lịch. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về di sản, nhằm thu hút sự hỗ trợ về chuyên gia, kỹ thuật và nguồn lực kinh tế trong quản lý di sản, nhất là trong các lĩnh vực bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Có thể khẳng định, di sản Vịnh Hạ Long có vị trí, vai trò rất quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh của Quảng Ninh. Cân bằng giữa bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của di sản với phát triển bền vững, đem lại lợi ích cho cộng đồng địa phương là điều rất quan trọng. Chính vì vậy, cùng với sự nỗ lực của đơn vị quản lý thì rất cần sự chung tay vào cuộc của các ngành, địa phương, doanh nghiệp cũng như mỗi người dân, du khách khi đến với Hạ Long.