Then là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng phổ biến, là cầu nối giữa thế giới con người và thế giới tâm linh, là tiếng lòng, nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng và Thái, đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài lưu giữ, trao truyền và phát triển, then Tày ở Bình Liêu hiện tồn tại dưới 2 hình thức: Then tín ngưỡng và then văn nghệ. Tuy không phổ biến rộng rãi như then văn nghệ song then tín ngưỡng vẫn mang những giá trị độc đáo, là tiềm năng cho phát triển du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng.
Then là hình thức diễn xướng đặc sắc của dân tộc Tày ở Bình Liêu nói riêng và Quảng Ninh nói chung. Ở hình thức then tín ngưỡng, then là những điệu hát phục vụ trong các nghi lễ tâm linh được người làm then hát trong những buổi lễ cầu an, giải hạn, mừng nhà mới, chúc thọ người già trong phạm vi gia đình, làng bản, nhằm mục đích mong cầu sự bình an, hạnh phúc đến với mọi người. Các nghi lễ then gắn chặt với những chặng đường trong cuộc đời con người từ khi sinh ra đến khi về cõi vĩnh hằng.
Khi thực hành các nghi lễ, người làm then không thể thiếu được các dụng cụ, như: Đàn tính, chùm xóc nhạc, quạt, thẻ âm dương, kiếm. Mỗi vật đều mang một ý nghĩa biểu tượng nhất định. Vì vậy, khi thực hành then ngoài vẻ đẹp của ca từ, giai điệu, âm thanh còn có vẻ đẹp của vũ đạo, của đồ thủ công truyền thống ở trang phục, đạo cụ trong các nghi lễ. Những yếu tố tâm linh trong diễn xướng của then Tày ở Bình Liêu đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân, được đúc kết từ thế hệ này qua thế hệ khác, dần trở thành những tục lệ, phong tục tập quán tốt đẹp, mang giá trị văn hóa đặc trưng, đặc sắc của người dân nơi đây.
Hiện nay ở Bình Liêu, then văn nghệ đang phát triển mạnh mẽ thông qua hoạt động của các câu lạc bộ hát then – đàn tính, hoạt động liên hoan văn nghệ hay biểu diễn tại các lễ hội truyền thống, biểu diễn phục vụ du khách. Trong khi đó, then tín ngưỡng có phần khiêm tốn hơn, chủ yếu mới chỉ là tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về thực hành then trong đời sống của cộng đồng dân tộc Tày Bình Liêu đến nhân dân và du khách. Điều này sẽ là “lãng phí” nếu không nhìn nhận đầy đủ giá trị của then tín ngưỡng là một tiềm năng cho phát triển du lịch tâm linh.
Ông Tô Đình Hiệu, Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Văn hóa Bình Liêu, cho biết: Để then tín ngưỡng lan tỏa rộng rãi, đến gần với du khách như then văn nghệ vẫn còn những khó khăn nhất định, bởi đây là những nghi lễ truyền thống, vẫn được thực hiện chủ yếu trong phạm vi gia đình nên việc mở rộng cho du khách có thể xem, tìm hiểu một cách sinh động, chân thực đòi hỏi yêu cầu về không gian, thời gian phù hợp. Vì vậy, ngoài việc duy trì tái hiện một số trích đoạn nghi lễ then trên sân khấu vào các dịp lễ hội truyền thống bước đầu giới thiệu tới du khách, thời gian qua, huyện Bình Liêu cũng đang nghiên cứu, triển khai xây dựng các bản làng người Tày, tạo không gian văn hóa để du khách có thể đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa của cộng đồng dân tộc Tày nói chung và hoạt động diễn xướng, thực hành then nói riêng.
Theo PGS.TS. Vương Toàn, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, khách du lịch văn hóa thường có nhu cầu được quan sát, tìm hiểu và thậm chí trải nghiệm những điều chưa biết về những di sản văn hóa, nhất là những di sản đã được UNESCO công nhận như then. Với then tín ngưỡng, phải cho khách du lịch được quan sát việc thực hành các nghi lễ như lẩu then, cấp sắc…, đồng thời kết hợp với then văn nghệ để thấy được sức hấp dẫn, sự lan tỏa của then trong đời sống văn hóa cộng đồng. Phát huy song song cả hai giá trị tâm linh của then tín ngưỡng và giải trí của then văn nghệ trong hoạt động du lịch giúp du khách không chỉ được tìm hiểu cội nguồn văn hóa qua việc theo dõi các nghi lễ cầu cúng khác nhau mà còn được xem trình diễn những sáng tác ca ngợi vẻ đẹp vùng đất, văn hóa, con người Bình Liêu.
Tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy di sản diễn xướng then trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh” do UBND huyện Bình Liêu phối hợp với Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức đầu tháng 5 vừa qua, các nhà nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp phát huy giá trị của then tín ngưỡng phục vụ phát triển du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng. Theo đó, tiếp tục tăng cường công tác quảng bá di sản, trước hết cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động sân khấu hóa then tín ngưỡng để giới thiệu, lan tỏa rộng rãi và hấp dẫn du khách. Để làm được điều đó, cần có người ký âm, sưu tầm một số trích đoạn then tín ngưỡng để truyền dạy và đưa lên sân khấu một cách bài bản, trách nhiệm.
Cùng với đó, xây dựng không gian then Tày Bình Liêu. Không gian này được sử dụng để giới thiệu và trưng bày các đạo cụ liên quan đến then, như đàn tính, xóc nhạc, trang phục… từng bước tạo thành các sản phẩm bán cho khách du lịch, đồng thời trở thành nơi tập luyện, giao lưu, biểu diễn của các CLB hát then – đàn tính, tái hiện diễn xướng then… Địa phương cần quan tâm nghiên cứu thị trường để tìm sở thích của khách du lịch, nhận biết, đánh giá những nhu cầu của du khách…