Cách hành chính được tỉnh xác định là một trong những nội dung quan trọng nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, phục vụ người dân một cách tốt nhất, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Từ đầu năm 2024, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã cụ thể hóa Chương trình hành động thực hiện chương trình cải cách hành chính 2024 của tỉnh, đơn vị, địa phương, trong đó quan tâm quán triệt và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, chủ đề công tác năm “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành, nhất là về chủ trương, chính sách, pháp luật, nội dung quy định, quy chế làm việc của cơ quan và đội ngũ CBCCVC; đồng thời tích cực sửa đổi lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ CBCCVC theo hướng dân chủ, minh bạch với tinh thần “vì nhân dân phục vụ”. Với quan điểm “Trọng dân, gần dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, đội ngũ CBCCVC trong tỉnh nêu cao tinh thần chủ động trong học tập, nâng cao trình độ, trách nhiệm, đạo đức công vụ trong thực thi nhiệm vụ, nhất là trong tiếp xúc, tổ chức đối thoại, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của nhân dân.
Với những giải pháp tích cực, Quảng Ninh có 5 năm liên tiếp (2019-2023) giữ vị trí dẫn đầu Chỉ số hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), là địa phương đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước… Nhân dân, doanh nghiệp ngày càng tin tưởng, hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương.
Song song với đó các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh thường xuyên đổi mới quy trình, phương pháp, cách thức làm việc, trong đó coi trọng phương pháp dân vận, quy chế dân chủ ở cơ sở là biện pháp quan trọng để nâng cao công tác đối thoại, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, công tác đối thoại trực tiếp giữa chính quyền với nhân dân luôn được quan tâm thực hiện định kỳ và đột xuất bám sát Quy định số 11-Qđi/TW (ngày 16/2/2019) của Tỉnh ủy “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
Việc thực hiện nêu gương người đứng đầu cấp ủy trong công tác tiếp dân, trực tiếp đối thoại với người dân được triển khai sâu rộng thời gian qua đã tạo sức lan tỏa lớn, từ đó tăng cường về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và hệ thống chính trị trong triển khai nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh,chí chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tiếp công dân định kỳ vào ngày 1 và 15 hằng tháng; chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn tiếp công dân định kỳ 4 ngày/tháng; thủ trưởng các sở, ngành thuộc tỉnh tiếp công dân 1 ngày/tháng… Với sự nghiêm túc, đúng quy định trong triển khai công tác này đã kịp thời nắm bắt, giải quyết tốt kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; không để phát sinh những vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài…
Gần đây nhất (ngày 17/6/2024), Hội đồng Tiếp công dân tỉnh đã tiếp nhận 36 đơn/36 vụ việc của 103 công dân của 8 địa phương trong tỉnh (Đông Triều, Quảng Yên, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái) với nhiều nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của công dân, như: Việc tham gia góp vốn tại Dự án xây dựng – kinh doanh hạ tầng Khu đô thị mới Cao Xanh – Hà Khánh C (TP Hạ Long); phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án đường Yên Tử kéo dài, đoạn từ QL18A đến QL10 và đường 10 làn xe (TP Uông Bí); giải quyết nội dung khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ đất trồng cây ăn quả… thực hiện Dự án Công viên nghĩa trang nhân dân tại xã An Sinh (TX Đông Triều)…
Trên nguyên tắc “lấy người dân làm trung tâm”, tại buổi tiếp công dân, các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo HĐND tỉnh đã yêu cầu, giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng địa phương, đơn vị để có giải pháp tổng thể giải quyết theo đúng các quy định pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, nhà đầu tư. Với quan điểm giải quyết đến cùng những kiến nghị, khiếu nại từ nhân dân, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, địa phương luôn lắng nghe, tiếp nhận ý kiến trên tinh thần thẳng thắn trao đổi, làm rõ các bước giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy trình, quy định, căn cứ pháp lý liên quan… từ đó thực hiện rà soát, nghiên cứu kỹ các hồ sơ, đồng thời đề xuất các ý kiến giải quyết từng vụ việc cụ thể, đảm bảo đúng các quy định, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp trên 3.200 lượt công dân/1.693 vụ việc. Đơn thư, kiến nghị của công dân được thụ lý giải quyết kịp thời, không bỏ sót. Trong quá trình tiếp, giải quyết kiến nghị, phản ánh của công dân, các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm tuyên truyền, vận động, đối thoại, giải thích giải trình đầy đủ các chính sách, quy định của pháp luật, các chế độ, chính sách cho công dân nắm bắt, tạo sự đồng thuận cao trong chấp hành tốt những chủ trương, định hướng của tỉnh và địa phương; góp phần đảm bảo ANTT và vì mục tiêu phát triển của tỉnh.