Tiếp tục chương trình Kỳ họp, sáng 1/11, Quốc hội thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024. Tại hội trường, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm, phản ánh các vấn đề liên quan đến ngành y tế.
Tương lai vẫn thiếu hụt nhân lực y tế
Nhấn mạnh sự cần thiết và tầm quan trọng lớn của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, đại biểu Nguyễn Tri Thức (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là nhằm tìm các bệnh lý, đặc biệt là bệnh lý di truyền và đó là sự thể hiện trách nhiệm đối với người vợ, người chồng. “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bác sĩ đã rất đau lòng lựa chọn cứu mẹ hay cứu con chỉ vì không tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân, không có kế hoạch dự phòng”, đại biểu Nguyễn Tri Thức nêu rõ.
Tuy nhiên theo quy định của Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và khoản 2 Điều 18 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ không có quy định bắt buộc phải khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi kết hôn. Do vậy, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị cần có quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi đăng ký kết hôn và có những chính sách hỗ trợ cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào nghèo.
Đề cập đến tình trạng người dân mắc bệnh ung thư gia tăng, đại biểu Nguyễn Tri Thức cho biết: Theo Hiệp hội Ung thư thế giới, năm 2020, Việt Nam có trên 182.000 ca mới mắc ung thư, 60% có chỉ định xạ trị. Nhưng khoảng 100 triệu dân số cả nước chỉ có 84 máy xạ trị bình thường, đáp ứng khoảng 60-70%, đặc biệt chưa có máy xạ trị proton là kỹ thuật xạ trị tiên tiến nhất hiện nay, giúp giảm tối thiểu tổn thương mô lành xung quanh. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư hai trung tâm điều trị xạ trị bằng proton ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đề cập đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Theo đại biểu, 10 năm trở lại đây, số lượng cơ sở đào tạo nhân lực y tế tăng nhanh. Nhưng bên cạnh những thành tựu đạt được, còn nhiều hạn chế và thách thức với các cơ sở đào tạo nhân lực y tế hiện nay. Cụ thể, số sinh viên quá đông, chi phí đào tạo thấp, cơ hội thực hành hạn chế, chương trình, phương pháp đào tạo chưa hiện đại, hệ thống kiểm định chất lượng chưa hình thành, đội ngũ giảng viên chưa đảm bảo, công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên.
“Bối cảnh tương lai cho thấy, vẫn sẽ có sự thiếu hụt nhân lực y tế, con người là yếu tố cốt lõi của sự phát triển, các trường đào tạo y tế đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành y tế”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nhấn mạnh.
Đại biểu đoàn Thái Bình đề nghị tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, kiên quyết ngừng tuyển sinh với các trường không đủ điều kiện, quy trịnh các trường đào tạo khối ngành sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn kiểm định chậm nhất vào năm 2026, đối với các trường đào tạo trình độ đại học, đặc biệt là trường đào tạo bác sĩ phải đạt kiểm định khu vực và quốc tế để đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Ngoài ra, cần quy định các điều kiện chuyên môn đặc thù của khối ngành sức khỏe trong tổ chức đào tạo, đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học trong suốt quá trình, từ khâu đầu vào đến quá trình đào tạo, đến khâu đầu ra. Cần xây dựng bộ tiêu chí kiểm định chất lượng đào tạo y tế đặc thù cho các ngành đào tạo nhân lực y tế, đảm bảo chuẩn đầu ra trong giáo dục nhân lực y tế, từng bước chuẩn hóa chất lượng đào tạo trong các trường đào tạo y tế.
Đấu thầu mua sắm thuốc đã có nhiều cải thiện
Phát biểu tranh luận về việc chậm trễ cung ứng thuốc trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết, hiện nay việc đấu thầu, mua sắm thuốc đã được cải thiện rất nhiều, không còn hiện tượng phải mua thuốc ngoài và cũng giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, trong khi đấy việc mua bán vật tư tiêu hao y tế lại vô cùng rối.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, nguyên nhân khách quan là do có quá nhiều quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm này, rất khó để đưa ra quyết định mua sắm, đáp ứng đầy đủ các quy định của nhiều bộ, ngành khác nhau.
Khó khăn nhất hiện nay là không thể mua được hàng chất lượng tốt và phát triển được kỹ thuật mới. Rất nhiều hàng chất lượng không tốt vẫn vượt qua “khe cửa hẹp” để trúng thầu với giá rẻ, có những hãng sẵn sàng in sửa lại catalog để đáp ứng yêu cầu đưa vào danh sách đấu thầu. Chính vì vậy, đại biểu đoàn Bình Định cho rằng cần đẩy mạnh tiêu chí bảo hành, chuyển giao kỹ thuật, phân nhóm, chỉ có hãng chất lượng tốt mới chấp nhận bảo hành, bảo trì lên đến 5 năm kèm theo các điều khoản đào tạo chuyển giao.
“Nếu các tiêu chí này được pháp luật khuyến khích bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành y tế”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.
Tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng của ngành Y tế
Giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau đại dịch COVID-19, lĩnh vực y tế của nước ta cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới đối mặt nhiều khó khăn, bộc lộ nhiều hạn chế. Có thể nói đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành y tế với khối lượng công việc tồn đọng.
“Sau gần 3 năm tập trung chống dịch, vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế; cán bộ, nhân viên y tế từ Trung ương xuống địa phương, nhiều người vi phạm pháp luật, làn sóng xin nghỉ việc chuyển ra khỏi khu vực y tế công; cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện…”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.
Theo Bộ trưởng Y tế, trong bối cảnh đó, ngành y tế đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là sự chia sẻ, động viên của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước. Đội ngũ nhân viên ngành y tế đã nỗ lực, cố gắng đoàn kết vượt qua khó khăn, đổi mới phương pháp, làm việc tập trung cao nhất để giải quyết khó khăn, vướng mắc, bất cập của ngành…
Về những định hướng lâu dài để ngành phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, ngành y tế đã tập trung thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ giao; ưu tiên hàng đầu cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chiến lược trong lĩnh vực y tế để tạo hành lang pháp lý đảm bảo cho công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân cũng như thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế của ngành. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các cấp; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại, tồn đọng của ngành như nội dung đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận kinh tế- xã hội lần này.
Về việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ Y tế đã có báo cáo nhanh về tình hình. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thiếu thuốc, thiết bị vật y tế là một thách thức dai dẳng. Đây không phải là hiện tượng mới, xảy ra ở nhiều nước, đặc biệt nghiêm trọng hơn trong và sau đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe của người dân ngay ở các quốc gia phát triển có hệ thống tiên y tế tiên tiến, hiện đại như các quốc gia châu Âu: Anh, Pháp, Ý…
“Việc này xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung nguyên liệu hoạt chất trên thế giới khan hiếm, giá cả biến động trên quy mô toàn cầu…”, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ.