Khu vực biên giới luôn tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng lợi dụng địa hình để hoạt động phạm tội hoặc lôi kéo cư dân biên giới thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Là lực lượng nòng cốt, Công an các xã vùng biên trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần giữ vững an ninh, an toàn khu vực biên giới.
Huyện Bình Liêu có tuyến biên giới dài hơn 43km tiếp giáp với Trung Quốc. Người dân sinh sống trên địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, kiến thức pháp luật còn hạn chế, tiềm ẩn diễn biến phức tạp về hoạt động của tội phạm như mua, bán người, đưa dẫn người xuất nhập cảnh trái phép, vận chuyển và buôn bán pháo nổ…
Theo đại úy Đỗ Quang Hưng, Phó Trưởng Công an xã Hoành Mô, từ sau đại dịch Covid-19, kinh tế khó khăn hơn, người dân lợi dụng nhà ở gần biên giới, thiếu sự kiểm soát về ANTT, lợi dụng đường mòn lối mở để mang hàng trái phép, nhiều nhất là nông sản, pháo.
Ông Bùi Xuân Chiều, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Sa, xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu) chia sẻ: Nà Sa là thôn biên giới, nguy cơ bị các đối tượng lợi dụng để bà con đưa người xuất nhập cảnh trái phép, đưa phụ nữ và trẻ em qua biên giới. Trước kia, do kém hiểu biết, cũng có xuất hiện trường hợp có biểu hiện manh nha, nhưng chưa thực hiện được hành vi phạm tội. Thế nhưng giờ đây, người dân đều có ý thức rất tốt về việc không vi phạm pháp luật. Có được kết quả đó cũng nhờ chính quyền và các lực lượng chức năng, đặc biệt là Công an xã và BĐBP thường xuyên nắm bắt tình hình để kịp thời ngăn chặn, không để trường hợp nào xảy ra trên địa bàn thôn. Qua đó, bà con hiểu và chấp hành tốt để an cư sản xuất và phát triển kinh tế ngày càng khấm khá.
Xác định việc nâng cao nhận thức, hiểu biết cho nhân dân là giải pháp then chốt có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến công tác đảm bảo ANTT, nhất là đối với cư dân biên giới. Do đó, lực lượng Công an xã đã tăng cường, đa dạng hóa các biện pháp tuyên truyền; nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới về phương thức, thủ đoạn, hành vi của tội phạm, nhất là những đối tượng có nguy cơ cao bị kẻ xấu lợi dụng; vận động người dân không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là tổ chức xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới, buôn lậu, gian lận thương mại; trộm cắp tài sản; buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ… Đồng thời, sẵn sàng báo tin cho lực lượng chức năng khi phát hiện kẻ xấu xuất hiện trong khu vực sinh sống để báo cho lực lượng an ninh, Biên phòng, kịp thời xử lý nếu có biểu hiện thực hiện các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật.
Thiếu tá Phùn Phúc Khường, Trưởng Công an xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, cho biết: Chúng tôi kết hợp tuyên truyền trong các cuộc họp ở thôn, thông qua người uy tín và cử cán bộ công an xã thông thuộc địa bàn, ngôn ngữ, đến từng hộ dân, tuyên truyền bằng tiếng đồng bào. Với đồng bào dân tộc thiểu số, việc cán bộ thông thạo ngôn ngữ, có thể trò chuyện với họ bằng tiếng dân tộc, sẽ tạo nên sự gần gũi, tăng niềm tin, để từ đó, họ sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ. Chỉ khi ấy, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào mới thực sự hiệu quả.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, để mỗi người dân trở thành một cột mốc sống nơi biên cương, nhằm đảm bảo ANTT địa bàn biên giới, Công an các xã biên giới cũng phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội biên phòng đẩy mạnh công tác nghiệp vụ; tăng cường tuần tra, kiểm soát đường biên, cột mốc, đường mòn lối mở; đấu tranh phòng chống các loại tội phạm; góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.