Từ năm 2023 đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hoá qua các cửa khẩu đường bộ trên địa bàn tỉnh đã tăng trưởng cả về số tờ khai, kim ngạch, số doanh nghiệp tham gia sau khi các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được dỡ bỏ. Tuy nhiên, hoạt động XNK hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của thực tiễn hoạt động thương mại biên giới hiện nay.
Theo thống kê của Cục Hải quan tỉnh, năm 2023 tổng số có 1.177 doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK qua cửa khẩu đường bộ (tăng 43% so với năm 2022), kim ngạch XNK đạt gần 3,6 tỷ USD (tăng 1% so với năm 2022), thu ngân sách nhà nước đạt gần 1.800 tỷ đồng (tăng 9% so với năm 2022). Riêng từ 1/1 – 25/4/2024, kim ngạch XNK đạt 868 triệu USD (tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023) với 601 doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK (tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023), thu ngân sách nhà nước đạt 391 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023). Hàng hóa chủ yếu bao gồm: Tạp hóa tiêu dùng; máy móc, thiết bị; linh kiện điện thoại; hàng gia công, sản xuất xuất khẩu; hàng kho ngoại quan, tạm nhập tái xuất; hàng hóa XNK của cư dân biên giới…
Tăng trưởng trong hoạt động XNK tại các cửa khẩu đường bộ cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho Hải quan Quảng Ninh là một trong những cục hải quan hiếm hoi có số thu ngân sách tăng mạnh trong cả nước. Kết quả này có được là nhờ trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh các hoạt động cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp. Hệ thống cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu cũng từng bước được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu quản lý và năng lực giao thương hàng hóa XNK. Song song với đó, Cục Hải quan Quảng Ninh đã tích cực đổi mới công tác hỗ trợ, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp với các giải pháp phù hợp, chuyên sâu, đa dạng hình thức.
Các địa phương biên giới như Bình Liêu, Móng Cái, Hải Hà cũng đang tiếp tục cùng các cơ quan, đơn vị, chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, kịp thời cập nhật thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp. Điển hình, như đối với Lối mở cầu phao tạm Km3+4, thuộc Cửa khẩu quốc tế Móng Cái được Chính phủ đã phê duyệt thực hiện Trung tâm giao dịch hàng hóa, nông, lâm, thủy sản quốc tế tại Móng Cái với quy mô gần 100ha, hiện TP Móng Cái đang thực hiện các thủ tục thu hút đầu tư, triển khai mở rộng khu vực này.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các đơn vị và doanh nghiệp, kết quả trong hoạt động XNK vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu thực tiễn hoạt động thương mại biên giới. Một trong những trở ngại hiện nay liên quan đến hoạt động XNK là do chính sách biên mậu của phía Trung Quốc không ổn định, thường xuyên thay đổi gây trở ngại cho việc lưu thông hàng hóa giữa Trung Quốc và Việt Nam, gây nhiều bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Đặng Duy Quân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Móng Cái, cho biết: Doanh nghiệp mong muốn có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa của cơ quan chức năng trong khu vực cửa khẩu để tạo cơ chế đồng bộ hướng đến mục tiêu phục vụ doanh nghiệp tốt hơn nữa. Đồng thời, tiếp tục đàm phán, trao đổi với cơ quan chức năng phía Trung Quốc để tăng thời gian làm việc vào thứ 7, chủ nhật, giúp việc thông quan hàng hóa của doanh nghiệp diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp XNK cũng cho rằng, cơ sở hạ tầng ở khu vực cửa khẩu cũng đang là rào cản đối với hoạt động XNK. Do đó, tỉnh và các địa phương cần tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện theo hướng có thêm các doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, tránh xảy ra tình trạng “độc quyền” dẫn đến chi phí kho bãi, bốc xếp tăng so với các cửa khẩu đường bộ khác trên cả nước. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã có nghị quyết về việc mở chính thức lối thông quan Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà), các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, triển khai hoạt động cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô (Việt Nam) – Động Trung (Trung Quốc) và lối thông quan Bắc Phong Sinh – Lý Hỏa. Đồng thời cần trao đổi, thống nhất về áp dụng cơ chế, chính sách nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động XNK, XNC qua lối thông quan Bắc Phong Sinh.
Ông Trần Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết: Để hoạt động XNK đạt kết quả, chính quyền địa phương biên giới cũng cần trao đổi, ký thỏa thuận cụ thể với chính quyền đồng cấp phía Trung Quốc. Cùng với đó tiếp tục quan tâm nâng cao hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu, lối thông quan trên địa bàn tỉnh và tạo điều kiện thuận lợi để thông quan nhanh, thông quan trước đối với nhóm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc. Kiến nghị cơ quan chức năng của Trung Quốc bổ sung các mặt hàng thủy sản của Việt Nam vào danh mục hàng hóa được nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc như sứa, hàu, ngao hoa, ngao hai cùi, rươi…; phê duyệt danh sách các doanh nghiệp gia công, chế biến thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. UBND tỉnh cần chỉ đạo chính quyền địa phương, các ngành chức năng, doanh nghiệp rà soát những khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh hiện nay, nhất là các hoạt động logistics tại các khu vực cửa khẩu biên giới để đề xuất các giải pháp tháo gỡ, có cơ chế đặc thù (miễn giảm thuế, phí, hỗ trợ hạ tầng…) để giúp thúc đẩy hoạt động logistics.