Nghệ thuật hát then – đàn tính của người Tày Bình Liêu đang được các nghệ nhân nỗ lực lưu giữ và truyền dạy bằng nhiều hình thức thông qua các lớp tập huấn, hoạt động của các CLB dân ca.
Ở Bình Liêu, loại hình then văn nghệ (còn gọi là then thế tục) đang phát triển mạnh mẽ thông qua hoạt động của nhiều CLB hát then – đàn tính hình thành từ những năm 2000. UBND huyện Bình Liêu cũng đã đưa hát then vào kế hoạch “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Bình Liêu năm 2024”.
Để phục vụ du lịch, huyện cũng chú trọng vào việc tổ chức các lớp tập huấn truyền dạy hát then – đàn tính, duy trì hoạt động của các CLB, hướng dẫn xây dựng các chương trình văn nghệ biểu diễn phục vụ khách tham quan. Các lớp truyền dạy hát then được mở thường xuyên thu hút hàng trăm lượt học sinh tham gia với sự hướng dẫn của các Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Thị Viên, Lương Thiêm Phú, các nghệ nhân dân gian Lương Thiêm Thành, Đặng Văn Sàu, Hà Thị Ngọc, Chu Văn Thủng. Các hình thức truyền dạy được tổng hợp hài hoà, nhuần nhuyễn nhiều thể loại, cả then nghi lễ lẫn then văn nghệ.
Huyện Bình Liêu đã có những việc làm cụ thể, như giao chỉ tiêu kế hoạch hằng năm cho Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện mở các lớp truyền dạy theo hướng đổi mới nội dung hoạt động, nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Ngoài ra, còn mở rộng truyền dạy hát then các vùng, miền khác, như: Then Việt Bắc, Cao Bằng, Lạng Sơn… và các điệu múa cơ bản trong diễn xướng then cổ (múa trầu, múa quạt, múa nón, múa đàn tính)…
Việc truyền dạy di sản diễn xướng then còn được thực hiện đều đặn qua hoạt động của các CLB văn nghệ của những người có cùng sở thích, có nhu cầu sáng tạo và truyền dạy bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống hát then, đàn tính. Các thành viên đều tham gia sáng tác, đặt lời mới cho các làn điệu then và tham gia biểu diễn tại các dịp lễ hội, tết, ngày kỷ niệm trọng đại của tỉnh, huyện và các hoạt động văn hóa của thôn, bản, khu phố. Hiện nay, ở Bình Liêu có 6 CLB văn nghệ cấp xã và 7 CLB cấp thôn, khu. Trong đó, xã Hoành Mô có 3 CLB thôn (thôn Pắc Pộc, Đồng Thanh, Đồng Mô), thị trấn Bình Liêu có 4 CLB khu (Nà Kẻ, Nà Làng, Chang Nà, Chang Chiếm). Mỗi CLB cấp xã có từ 20-30 thành viên, cấp thôn, khu có từ 15-20 thành viên tham gia sinh hoạt, thường xuyên tổ chức giao lưu biểu diễn, tham gia các hội thi, hội diễn, trao đổi, học tập lẫn nhau.
Tại Hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản diễn xướng then trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bình Liêu” vừa được Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với huyện Bình Liêu tổ chức, thạc sĩ Hoàng Thị Nhuận, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho rằng, công tác truyền dạy hát then cho mọi tầng lớp nhân dân là một biện pháp bảo tồn rất có hiệu quả. Truyền dạy để cho nhân dân cùng lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, giáo dục nhân cách và lối sống cho lớp trẻ, làm giàu thêm các giá trị văn hoá sẵn có.
Huyện Bình Liêu cũng chủ trương gắn các lớp truyền dạy hát then cho học sinh ở các trường trung học cơ sở, tiểu học, phổ thông dân tộc nội trú, đưa vào chương trình cụ thể trong sinh hoạt ngoại khóa, góp phần giới thiệu và khẳng định giá trị then. Ông Lý Văn Bình, Chủ tịch HĐND huyện Bình Liêu, cho biết: Thực hiện nội dung chủ đề công tác năm của tỉnh là phát triển văn hoá, con người giàu bản sắc Quảng Ninh, tới đây, huyện Bình Liêu sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền dạy hát then, đặc biệt là then văn nghệ đối với thế hệ trẻ. Đồng thời, xây dựng các mô hình du lịch liên quan đến then, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.