Trong 7 ngày nghỉ tết Nguyên đán, có khoảng 75.000 lượt khách quốc tế đến TPHCM. Tết này, ngành du lịch các tỉnh, thành khác trong nước cũng “được mùa”.
Theo Sở Du lịch TPHCM, trong 7 ngày nghỉ tết Nguyên đán (từ ngày 8 – 14/2, tức từ 29 tháng Chạp đến mùng Năm tháng Giêng), có khoảng 75.000 lượt khách quốc tế đến TPHCM, tăng 15,4% so với tết trước; các khu, điểm du lịch, vui chơi giải trí của TPHCM đón khoảng 1,8 triệu lượt khách. Tết này, ngành du lịch các tỉnh, thành khác trong nước cũng “được mùa”.
Doanh nghiệp du lịch “được mùa”
Mùng Một tết, nhiều đoàn du khách từ TPHCM đã theo tour của Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) đến các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam), Thái Lan, Campuchia.
Ông Trần Đoàn Thế Duy – Tổng giám đốc Vietravel – cho hay, trong 7 ngày nghỉ tết, công ty phục vụ khoảng 139.000 lượt khách, tỉ lệ lấp đầy chỗ các tour, tuyến đạt hơn 92%. Đây là những tín hiệu tốt từ thị trường trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Ông Nguyễn Minh Mẫn – Giám đốc truyền thông Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch và thương mại TST – cũng cho hay, có trên 2.000 khách đăng ký tour của TST, khởi hành từ cuối tháng 1/2024 đến cuối tháng 3/2024. Đây là tín hiệu khả quan của du lịch trong năm 2024. Hiện TST đã khởi động nhiều tour đến các nước châu Á, châu Âu với trên 50% số chỗ đã được đặt.
Theo ông Phạm Quý Huy – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Kiwi – từ mùng Ba tết đến rằm tháng Giêng, khách đi du lịch tự túc theo diện cá nhân, gia đình đổ về các thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) rất đông. Tết năm nay, lượng khách đăng ký đi tour nước ngoài của Kiwi tăng khoảng 30% so với tết năm 2019, lượng người đăng ký đi tour trong nước cũng đông hơn hẳn.
Theo Sở Du lịch TPHCM, doanh thu du lịch của TPHCM trong 7 ngày nghỉ tết Giáp Thìn khoảng 6.550 tỉ đồng, tăng 4% so với tết Quý Mão.
Lãnh đạo các doanh nghiệp lữ hành ở TPHCM đánh giá, do kỳ nghỉ tết Nguyên đán năm nay dài nên lượng khách tăng hơn nhiều so với kỳ nghỉ tết dương lịch 2024. Tết năm nay, khách du lịch ưu tiên lựa chọn đến Phú Quốc, Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng và các tỉnh miền Bắc. Các công ty du lịch, lữ hành đã khai thác nhiều tour tham quan TPHCM. Điều đáng mừng là dù khách đông hơn năm ngoái nhưng không xảy ra tình trạng chặt chém, cắt xén dịch vụ.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Ông Trần Thế Dũng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour – cho rằng, dịp tết Giáp Thìn, đa số du khách chọn đi tour gần; khách cũng thích chọn các dịch vụ riêng lẻ dạng phòng khách sạn – vé máy bay (free and easy) hơn là các chương trình trọn gói.
Theo ông, trong năm 2024, hoạt động kinh doanh du lịch sẽ không dễ dàng, nhất là việc thu hút khách quốc tế. Do đó, Chính phủ cần có các chính sách kích cầu du lịch, như mở rộng đối tượng miễn thị thực nhập cảnh. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý du lịch, UBND các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, tập trung quản lý chất lượng dịch vụ, ưu tiên bảo tồn các cảnh quan du lịch. Hiện nhiều địa phương đang bê tông hóa, dựng cảnh quan giả quá nhiều. Các doanh nghiệp du lịch cũng cần mở nhiều kênh hơn, có ngách đi riêng, có chương trình tour mới.
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương – Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội (thuộc Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam) – nhận định, du lịch nội địa dịp tết năm nay sôi động hơn mọi năm, nhu cầu thuê resort, vi la, thuê xe tự lái, đi tour tự túc đều tăng cao. Ngoài việc các tour đi nước ngoài đắt đỏ, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch trong nước (các tuyến đường cao tốc, khách sạn, điểm tham quan) đã tạo điều kiện cho người dân trong nước đi du lịch thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, ông cho rằng, việc tăng trưởng của lượng khách nội địa cũng đặt ra yêu cầu cải thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của du khách mùa cao điểm. Dễ thấy là tết này, một số đường cao tốc, điểm vui chơi đã bị quá tải. Hiện nguồn nhân lực du lịch nhiều nơi còn thiếu và yếu, khó đảm bảo chất lượng phục vụ khi vào mùa cao điểm du lịch.
Theo ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, cấp quản lý vĩ mô cần coi trọng tài nguyên du lịch, phải xác định tài nguyên này là hữu hạn để từ đó không chỉ biết khai thác mà còn phải bảo tồn. Chẳng hạn như các bãi san hô ở biển Bình Hưng, Bình Tiên (tỉnh Ninh Thuận) nếu không được bảo tồn thì vài năm nữa sẽ mất khi lượng du khách đổ về nhiều; văn hóa bản địa ở các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc sẽ mất dần khi những người làm du lịch cộng đồng quá chú trọng doanh số.